Họ thuộc hai thế hệ khác nhau song cùng chọn âm nhạc làm bến đỗ. Họ đều có những tác phẩm giành giải thưởng cao về âm nhạc trong năm 2010. Đằng sau mỗi tác phẩm là những câu chuyện đời đầy xúc động.
Nhạc sĩ của thiếu nhiNiềm đam mê âm nhạc luôn cháy bỏng trong nhạc sĩ Phạm Hữu Đức
Một ngày tháng tư, chúng tôi đến thăm nhạc sĩ Phạm Hữu Đức tại số nhà 946, phố Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). Có phong thái điềm đạm của một ông giáo già, nhưng khi trò chuyện về âm nhạc thì ông trở nên sôi nổi. Ông cầm cây violon (vi-ô-lông) chơi một bản cho tôi nghe.
Nhạc sĩ Phạm Hữu Đức sinh năm 1940, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh. Nửa đời ông gắn với chiến trường, nửa đời còn lại dành cho quê hương. Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia (Nhạc viện Hà Nội) năm 1961, 21 tuổi ông lên công tác tại Đoàn Nghệ thuật khu tự trị Thái Mèo. 14 năm đằng đẵng với Tây Bắc, nỗi nhớ quê hương nén trong lòng. Nhạc sĩ Phạm Hữu Đức kể: “Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó là biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội ở chiến trường Việt Nam và Lào. Thời kỳ đó hàng năm trời anh em văn công sống trong rừng, ngủ võng bạt. Mỗi tối, đoàn biểu diễn phục vụ 3 đơn vị bộ đội. Cứ biểu diễn xong, anh em lại xé rừng đi trong đêm để kịp đến phục vụ đơn vị khác”. Ông Đức rất tự hào về quãng thời gian này. Song có những kỷ niệm đến nay vẫn mãi ám ảnh ông. “Tối đó, đoàn tôi biểu diễn cho một đơn vị bộ đội ở chiến trường Lào nửa đêm sẽ làm nhiệm vụ công đồn. Tại đây, tôi tình cờ gặp cậu Cư, một người cùng làng. Đồng hương gặp nhau vui khôn xiết. Cũng qua đó biết cậu lính này mới lấy vợ 6 tháng. Ngày hôm sau, gặp lại người tiểu đoàn trưởng tại một trạm trong rừng, tôi hỏi về trận đánh. Anh cho biết trận đánh hạ đồn đêm qua quân ta thắng lớn, chỉ duy nhất có cậu Cư hy sinh. Tôi bàng hoàng. Mới tối hôm qua anh em còn chuyện trò, nhắn nhủ bao điều. Từ đó tôi nhận ra những vất vả, gian khổ mà mình trải qua quá nhỏ bé so với những sự hy sinh mất mát của người lính”, ông Đức bồi hồi.
Năm 1972, ông Đức chuyển về Hà Nội, rồi về Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Hưng, điểm dừng cuối là bục giảng Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Bước vào sáng tác khá muộn (khoảng năm 1970) song các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Hữu Đức được giới thiệu nhiều trên báo chí, trên sóng phát thanh. Đó là nguồn động lực để ông bước tiếp. Mảng đề tài được nhạc sĩ Phạm Hữu Đức tâm huyết là viết cho thiếu nhi. Những ca khúc thiếu nhi của ông như: "Gà nhíp gọi em", "Chú tôm luyện võ", "Hoa loa kèn", "Bầu trời xôn xao"… đã trở nên quen thuộc với các em nhỏ cả nước. Bài hát “Gà nhíp gọi em” được chọn in trong tập “Ca khúc thiếu nhi 1945 - 2000”. Ngoài ca khúc cho thiếu nhi, nhạc sĩ Hữu Đức còn thành công cả ở mảng đề tài viết cho người lớn. Tập sách “Phạm Hữu Đức ca khúc phổ thơ” với 25 ca khúc xuất bản 2009 ghi lại những trải nghiệm của ông về cuộc sống. Trong đó, ca khúc “Đêm Côn Sơn” đã được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, phát sóng và giành giải C của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2010. Hàng chục giải thưởng ở trung ương, địa phương, 4 tập sách nhạc, 2 album là những chắt chiu mà nhạc sĩ Phạm Hữu Đức dành tặng cuộc đời. Ở tuổi xưa nay hiếm, trong lòng người nhạc sĩ vẫn ấp ủ biết bao dự định. Ông chỉ mong mình tiếp tục khỏe mạnh để ngồi vào bàn viết.
Trọn đời đam mê
Nhạc sĩ Mai Đoan đang hoàn tất những nốt nhạc cuối bài hát “Vui ngày hội toàn dân” chào mừng sự kiện ngày bầu cử sắp tới |