Gần Tết, nhiều người chết vì rượu

12/01/2013 09:13

Nhiều người sau khi uống rượu về bị tụt huyết áp, suy hô hấp, nhiễm độc máu, tổn thương não nặng.

Càng gần cuối năm, tình trạng ngộ độc rượu càng tăng cao, vì đây là thời điểm có nhiều đám tiệc mà rượu lại là thức uống dường như không thể thiếu trong những cuộc vui ấy. Nhiều người uống rượu nhưng không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân Lê Hoài Nam, 27 tuổi ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngày 8-1. Trước đó, bệnh nhân uống rượu cùng 5 người bạn. Hai ngày sau anh Nam cảm thấy mờ mắt, rồi hôn mê sâu, tụt huyết áp và nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, máu nhiễm độc nặng với hàm lượng methanol cao.


Một nạn nhân ngộ độc rượu điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai (ảnh: Dân trí)

Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu, lọc máu giải độc, nhưng bệnh nhân Nam không hồi phục, hôn mê sâu, não tổn thương nặng và tử vong.

Anh Lã Hồng Quang, 1 trong những người bạn cùng uống rượu với anh Lê Hoài Nam đang điều trị tại Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hôm ấy chúng tôi đi 4 chỗ, đầu tiên ở Hòa Mã ăn vó bò uống Vodka Men to, sau đó về hàng ốc ở 83 uống 2 chai Vodka bé và 2 chai Vodka không phải của công ty. Lần thứ 3 uống ở chợ Mơ, ăn lẩu và uống 2 chai Vodka Men. Tiếp đó là về người bạn uống rượu can 5 lít. Sau khi thấy bạn bị vậy tôi cũng vào viện. Bây giờ thì sợ rồi. Sau lần này không dám uống nữa”.

Theo Thống kê của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, từ đầu năm 2012 đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 164 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 5.400 người mắc, 33 người tử vong. Trong số này, tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26%. Chỉ tính riêng trong quý 4 năm 2012, cả nước ghi nhận 5 ca tử vong do ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 ca tử vong vì ngộ độc rượu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đa số ca ngộ độc, tử vong do ngộ độc rượu là do uống rượu tự nấu không rõ nguồn gốc, bệnh nhân ngộ độc rượu thường là nam thanh niên. Các bạn trẻ tuổi, nhiều khi uống rượu không biết điểm dừng nên nguy cơ ngộ độc rất cao.

“Ngộ độc rượu, đây là thời gian xảy ra nhiều nhất, thường là mùa rét, trước và sau Tết. Hàng ngày bệnh viện đều tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu vào cấp cứu,” bác sĩ Nguyên nói. “Đặc biệt có những ca bị ngộ độc cồn công nghiệp, ngộ độc methanol nặng. Có những trường hợp bệnh nhân đến viện muộn và tử vong. Những bệnh nhân đó uống rượu không rõ nguồn gốc mà trong dân gian gọi là rượu quốc lủi, mua ngoài quán, các chợ”.

Tập quán sử dụng rượu không rõ nguồn gốc còn phổ biến và rất khó thay đổi. Để cải thiện tình trạng này thì việc tuyên truyền thay đổi tập tục rất quan trọng. Trên thực tế, mặc dù Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã liên tục đưa ra các con số tử vong do ngộ độc rượu để cảnh báo, thế nhưng người dân vẫn cứ phớt lờ.

Rất nhiều người có thói quen dùng rượu để đãi khách, hoặc ra quán là gọi rượu uống mà không cần quan tâm đến nguồn gốc. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi dùng rượu để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Lại Hoa(VOV)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần Tết, nhiều người chết vì rượu