Gần lắm Trường Sa. Bài 4: Những món quà đặc biệt

10/02/2018 09:20

Những món quà như lá cờ Tổ quốc kết bằng 800 "trái tim", tấm thiệp của em bé tự kỷ... đã để lại ấn tượng mạnh, là “liều thuốc tinh thần” giúp cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa cảm thấy ấm lòng.

Bức tranh "lá cờ Tổ quốc" của cộng đồng người Việt Nam tại Singapore được treo ở hội trường đảo Trường Sa

Lá cờ Tổ quốc kết bằng 800 “trái tim”

Tại hội trường đảo Trường Sa có một bức tranh “lá cờ Tổ quốc” rất đặc biệt được treo ở vị trí trang trọng, ai bước vào cũng có thể nhìn thấy. Lá cờ có kích thước 1,5 x 2 m được kết bằng 800 mảnh giấy hình trái tim. Trên mỗi trái tim là một lời nhắn nhủ mộc mạc viết tay bằng cả 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Anh) của nhiều thành phần, từ người già tới trẻ nhỏ, từ người làm nghề buôn bán đến sinh viên, kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, chính trị gia… Nội dung chủ đạo thể hiện tình cảm, ca ngợi, biểu dương tinh thần, sự hy sinh cao cả của những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Một nhà khoa học người Việt Nam ở Singapore viết: “Trường Sa thân thương, Tổ quốc Việt Nam mến yêu của ta. Mãi mãi trong tim. Chúc cán bộ, chiến sĩ luôn mạnh khỏe, vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương”. “Chiến sĩ Trường Sa kiên cường. Đất nước dựa vào các anh, nhân dân tin vào các anh. Hãy luôn mạnh mẽ, vững tay súng vì bình yên Tổ quốc các anh nhé”, một du học sinh viết...

Trung tá Đỗ Hải Đăng, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết năm 2015,cộng đồng người Việt Nam ở Singapore gửi tặng lính đảo khá nhiều món quà mang giá trị cả về vật chất và tinh thần. Trong đó, bức tranh “lá cờ Tổ quốc” là món quà để lại ấn tượng mạnh nhất, “là liều thuốc tinh thần” với những người làm nhiệm vụ ngoài đảo xa. “Chúng tôi treo bức tranh lá cờ tại đây để mỗi khi cán bộ, chiến sĩ tham dự các buổi sinh hoạt tập thể đều có thể đọc và cảm nhận được lời nhắn nhủ của đồng bào ta”, trung tá Đăng nói.

Tấm thiệp của em bé tự kỷ

Đầu năm nay, tôi và hơn 30 phóng viên các cơ quan báo chí trên cả nước có dịp được ra công tác tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Buổi tối hôm ở trên đảo Trường Sa, tôi cùng trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo và một số cán bộ, chiến sĩ ngồi uống nước, nói chuyện trước sân trụ sở UBND thị trấn Trường Sa. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi chị Hồng Diên (phóng viên Báo Xây dựng) xuất hiện, trên tay xách một túi quà. Chị Diên tiến lại bàn uống nước, nở nụ cười tươi rồi nói: “Chào các anh. Hôm nay tôi xin chuyển món quà của một cháu bé rất đặc biệt ở Hà Nội gửi tặng các anh nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018”. Nói rồi chị mở chiếc túi, lấy ra rất nhiều khăn mặt, xà phòng tắm, bánh kẹo đặt lên mặt bàn. Mọi người chưa kịp nói câu gì thì chị Diên đưa một bì thư cho trung tá Lương Quốc Anh và đề nghị: “Anh hãy đọc đi rồi tôi sẽ nói”. Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa tỏ vẻ ngạc nhiên xen lẫn tò mò và cũng làm theo những gì chị Diên yêu cầu. Trong bì thư là một tấm thiệp chúc mừng năm mới. Trên đó chỉ ghi duy nhất một dòng chữ: “Duy Anh chúc các chú bộ đội năm mới 2018 mạnh khỏe, công tác tốt” và ký tên phía dưới. “Tấm thiệp này của ai mà lạ vậy chị Diên? Hình như là của một cháu bé vì nét chữ rất nguệch ngoạc và còn thiếu cả dấu câu nữa”, trung tá Lương Quốc Anh thắc mắc.

Chị Diên cho biết tấm thiệp này là của cháu Bùi Duy Anh (14 tuổi), học sinh Trường THCS Xã Đàn - trường dành cho những học sinh khuyết tật ở Thủ đô Hà Nội. Duy Anh là trẻ tự kỷ với nhận biết xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ tình yêu thương, dạy dỗ tuyệt vời của người mẹ mà Duy Anh ngày càng tiến bộ, có thể nhận biết được nhiều thứ xung quanh, viết được một đoạn văn khoảng 10 câu trở lại và đặc biệt là biết cảm thông, thể hiện tình cảm với mọi người. Một hôm Duy Anh được mẹ cho xem hình ảnh về bộ đội Trường Sa và nói rằng các chú bộ đội ngoài đảo phải ở rất xa nhà, không được ở cùng mẹ, không được chơi máy tính như Duy Anh… Nghe vậy, cậu bé nằng nặc đòi mẹ phải dẫn đi mua quà, thiệp chúc mừng năm mới và nhờ người gửi tặng các chú bộ đội. “Qua Facebook, mẹ cháu biết được tôi sắp ra Trường Sa công tác nên đã liên hệ và nhờ gửi món quà này tới các anh”, chị Diên nói.

Tới đây, trung tá Lương Quốc Anh cùng các cán bộ, chiến sĩ mới hiểu. Họ bắt đầu chuyền tay nhau tấm thiệp đặc biệt của Duy Anh. Có người đọc xong đôi mắt ngấn lệ, xúc động. Trung tá Trần Thanh Bình, Trưởng Ban Kỹ thuật đảo Trường Sa cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được tấm thiệp chúc mừng năm mới đặc biệt như thế này. Một cháu bé bị bệnh tự kỷ mà vẫn nghĩ tới và dành tình cảm cho lính đảo chúng tôi khiến chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng, thêm quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ”. Ngay lập tức, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa yêu cầu trung tá Nguyễn Ngọc Anh, Trợ lý đảo viết thư cảm ơn và chúc mừng năm mới tới mẹ con bé Duy Anh.

Mỗi năm, Trường Sa lại nhận được rất nhiều món quà thể hiện tình cảm của nhân dân từ đất liền và kiều bào ta ở nước ngoài. Ngoài những món quà có giá trị về mặt vật chất, những tấm thiệp của bé Duy Anh hay bức tranh lá cờ Tổ quốc của cộng đồng người Việt Nam tại Singapore… mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa ấm lòng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần lắm Trường Sa. Bài 4: Những món quà đặc biệt