Ông Nguyễn Văn Biên, nguyên Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Kinh Môn là người có công đầu trong việc đưa cây hành, tỏi trở thành cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Biên (phải) hướng dẫn anh Phạm Hữu Trọng cách phòng trừ sâu bệnh trên cây hồng xiêm
Giúp nông dân làm giàu
Giữa khu vườn hồng xiêm trĩu quả, anh nông dân Phạm Hữu Trọng ở khu Đống Còn, xã Thăng Long (Kinh Môn) mộc mạc nói về ông Biên: "Chú Biên như cha tôi, đã giúp tôi đứng lên khi tôi gặp khó khăn, tư vấn, hỗ trợ kiến thức để tôi có được cơ ngơi như hôm nay".
Khoảng năm 1992, anh Trọng sa vào cờ bạc. Lúc đó ông Biên đang là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thăng Long. Nhà anh Trọng vốn ở trong xóm Hà Tràng, thôn Trung Hòa, có rất ít đất canh tác. Thời kỳ này, thực hiện chủ trương của Nhà nước, xã triển khai giao ruộng đất ổn định lâu dài cho nông dân. Thăng Long có diện tích đất bình quân đầu người chỉ từ 350-360 m2. Việc chia đất gặp khó khăn vì diện tích giữa các thôn không đồng đều. Tình hình trong xã phức tạp, không thôn nào chấp nhận chia đất cho thôn khác. Lúc này, chính ông Biên đã tham mưu với Đảng ủy và là người trực tiếp đi vận động từng gia đình chuyển sang các vùng đất thuộc thôn khác để sinh sống. Gia đình anh Trọng là một trong nhiều hộ được ông Biên thuyết phục nhận khu đất xa khu dân cư còn hoang sơ để cải tạo xây dựng trang trại. Ngay trong gia đình anh Trọng cũng có cuộc "đấu tranh" gay gắt vì người muốn đi, người muốn ở lại, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, lại đang nợ nần chồng chất. Nhưng bằng sự giúp đỡ, động viên kịp thời, ông Biên đã giúp anh khôi phục kinh tế. Ông bày cho anh cách trồng cây ngắn ngày, lấy đất đóng gạch, xây ao. Có lần biết anh khó khăn về vốn, ông đứng ra tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giúp anh vay vốn. Bây giờ nhìn lại, anh Trọng rất biết ơn ông Biên bởi từ 1,7 mẫu đất ngày đó, đến nay anh đã mở rộng diện tích trang trại tới hơn 3 mẫu với các vùng chuyên canh cây ăn quả, 3 dãy chuồng trại nuôi hơn 3 vạn con chim cút. 4 người con của anh cũng lần lượt được ăn học, có công ăn việc làm ổn định chính từ thu nhập trên mảnh đất này.
Vốn là một nhân viên kỹ thuật nuôi cá của HTX Nông nghiệp Thăng Long, không học qua trường lớp, chỉ đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, năm 18 tuổi, ông Biên đã trở thành kỹ thuật viên chính của trại cá giống. Sau 4 năm quân ngũ, năm 1983 ông trở về địa phương và được phân công làm Trại trưởng Trại cá. Thời gian này, ông đã vượt qua khó khăn, cùng anh em phục hồi Trại cá giống, giúp xã viên có cuộc sống ổn định.
Năm 1989, ông Biên được cử làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp. Ông đã đưa cây dâu tằm về trồng trên đất Thăng Long. Khi đó tỉnh có chủ trương gây dựng các vùng trồng dâu, ông và lãnh đạo xã đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều vùng khác. Vị trí, chất đất ngoài bãi sông của xã khá phù hợp để trồng dâu, nhưng khó khăn lớn nhất là tập quán canh tác của nông dân vì bà con đã quen trồng các loại cây như mía, đỗ, khoai... Cách trồng và chăm sóc dâu tằm lại khá phức tạp, chỉ có thuận lợi duy nhất là được bao tiêu sản phẩm. Tuy vậy, ông Biên vẫn quyết tâm làm bằng được. Ông tham mưu với Đảng ủy xã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, nếu hộ nào không trồng dâu xã sẽ không giao đất. Từ chỗ "bắt buộc" đến khi thấy giá trị cao, nông dân trong xã dần dần chuyển sang trồng dâu cả trong đồng. Từ 65 ha đất bãi, chỉ sau năm đầu triển khai đã lên tới 125 ha dâu. Thu nhập từ 1 lứa trồng dâu bằng cả năm thu hoạch các loại cây khác. Thăng Long trở thành xã trồng dâu lớn nhất tỉnh và có thu nhập cao do dâu tằm cho thu hoạch quanh năm, đầu ra ổn định.
Định vị cây dâu, hành, tỏi
Sau đó, ông lần lượt được giao nhiệm vụ là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã và được điều về huyện công tác. Đến năm 2001, "duyên nghiệp" đưa ông trở về gắn bó với nông nghiệp ở cương vị là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Vận dụng kinh nghiệm sản xuất, ông nhận thấy Kinh Môn là huyện phát triển công nghiệp mạnh nhất tỉnh, nhưng đa số người dân vẫn phải gắn với sản xuất nông nghiệp. Từ đó, ông luôn trăn trở, nghĩ cách giải "bài toán" nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, sao cho nông dân sản xuất thuận lợi mà thu nhập cao hơn.
Khảo sát khắp các xã, thị trấn trong huyện, ông thấy nông dân Kinh Môn có truyền thống sản xuất hành, tỏi có giá trị kinh tế cao hơn cấy lúa, nhưng diện tích mới chỉ đạt khoảng 800-1.000 ha, chiếm khoảng 10-15% diện tích canh tác toàn huyện. Những năm 2000-2001, diện tích trồng hành, tỏi chỉ tập trung ở một số xã. Ở nhiều xã khác, bà con cũng thử trồng nhưng do thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật nên thu nhập bấp bênh. Phải mở rộng diện tích canh tác cây vụ đông chủ lực, nhưng khó khăn là làm sao để nông dân đồng thuận. Ông tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện đưa nội dung này vào nghị quyết của huyện các nhiệm kỳ 2000-2005, 2005-2010; là điều kiện để bình xét các xã, thị trấn đạt danh hiệu chính quyền trong sạch, vững mạnh. Về phía phòng chuyên môn, ông chủ động tìm kiếm các đơn vị sản xuất giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vụ đông cho nông dân. Từ 5-6 xã ban đầu, đến nay, toàn bộ 25 xã, thị trấn của huyện đều trồng hành, tỏi trong vụ đông. Diện tích trồng cây vụ đông đạt gần 4.000 ha, chiếm hơn 70% diện tích canh tác toàn huyện. Đồng đất Kinh Môn trở thành nơi canh tác vụ đông hấp dẫn nhất trong tỉnh với mô hình canh tác "1 vùng, 1 cây", thuận lợi trong làm đất, thu hoạch và tiêu thụ.
Say sưa với sản xuất nông nghiệp, ông Biên còn là "nhà dự báo" tin cậy của bà con nông dân. Với mỗi loại cây trồng, qua mỗi vụ ông đều ghi chép lại cẩn thận về thời gian trồng, kỹ thuật chăm sóc, diễn biến thời tiết để làm tài liệu tham khảo cho vụ sau. Trong suốt thời gian là Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, bao giờ ông cũng xây dựng cho huyện lịch thời vụ riêng, có năm chậm so với lịch thời vụ của tỉnh đến 10 ngày. Địa phương nào nông dân không làm theo lịch thời vụ của huyện, chỉ cần lệch 3-5 ngày là đều bị hỏng. Ông dám chắc chắn thế bởi ông nắm rõ đặc điểm sinh thái của từng vùng, từng loại cây trồng và theo sát dự báo thời tiết để phân tích kỹ các điều kiện phù hợp.
Khi bước vào vụ đông năm nay, mặc dù đã chuẩn bị nghỉ chế độ, ông vẫn tham gia chỉ đạo sản xuất, vẫn quyết tâm bám trụ với cây hành, tỏi dù năm trước nông dân nhiều nơi thất bại. Quyết tâm vì ông biết ở các nơi khác sau khi thua lỗ, nông dân sẽ bỏ không trồng lại. Ông vẫn đang cùng các đồng sự quyết tâm xây dựng nhãn hiệu cho vùng hành, tỏi Kinh Môn.
Sau khi nghỉ hưu, ông làm thêm cho một công ty cung ứng nhân lực. Ông hy vọng thông qua công ty này sẽ tìm được đối tác để xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Ông đã đem chào một số sản phẩm như bí xanh, hành, tỏi, cà rốt tới các bạn hàng Hàn Quốc, Singapore... và vẫn luôn sẵn sàng tư vấn cho nông dân các kiến thức về sản xuất nông nghiệp.
LINH AN