Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam vừa có báo cáo hiện trạng các cầu đường bộ, đường sắt trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia.
Đường sắt Bắc-Nam bị tê liệt hoàn toàn sau vụ tàu thủy đâm sập cầu Ghềnh. (Ảnh: Sỹ Tuyên/Vietnam+)
Trong đó, cần tới gần 825 tỷ đồng để thực hiện công tác điều tiết bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và kết hợp chống va trôi mùa bão.
Theo thống kê của Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam, trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia hiện có tổng số 646 cầu đường bộ, đường sắt bắc qua (đường bộ 615 cầu; đường sắt 31 cầu), trong đó có 251 cầu kích thước khoang thông thuyền không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đường thủy nội địa (đường bộ 231 cầu, đường sắt 20 cầu).
Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam cho biết, tại các cầu trên tuyến chưa được triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo từ xa về tĩnh không thông thuyền, nhiều cầu yếu trên tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy chính, huyết mạch trên chưa được xây dựng trụ chống va xô, chưa có phương án cải tạo, nâng cấp, xây mới thay thế cầu cũ.
Trong khi đó, luồng đường thủy tại khoang thông thuyền dòng chảy xoáy đặc biệt nguy hiểm vào mùa lũ, làm mố, trụ cầu tạo chướng ngại vật đối với phương tiện giao thông thủy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy rất cao, nguy hiểm đến kết cấu công trình cầu.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tiến hành rà soát đánh giá hiện trạng đối với 72 cầu (53 cầu đường bộ, 19 cầu đường sắt) để đưa ra giải pháp cho 67 vị trí cầu (5 vị trí cụm cầu cạnh nhau) trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trên cơ sở đánh giá hiện trạng về các cầu đường bộ, đường sắt trọng yếu tại các tuyến vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chính, huyết mạch, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề xuất giải pháp lắp đặt thiết bị cảnh báo từ xa cầu và bổ sung báo hiệu, điều tiết bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và kết hợp chống va trôi mùa lũ, bão, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra đối với công trình cầu.
Cụ thể, năm 2016, Cục đã triển khai điều tiết bảo đảm an toàn giao thông kết hợp chống va trôi mùa lũ 19 vị trí (1 vị trí cầu đường sắt Bình Lợi do nhà đầu tư BOT thực hiện), đề xuất được triển khai thực hiện 67 vị trí với tổng kinh phí 72,6 tỷ đồng, trong đó lắp đặt thiết bị cảnh báo từ xa cầu và bổ sung báo hiệu 67 vị trí với kinh phí 10,65 tỷ đồng; bổ sung thực hiện công tác điều tiết bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và kết hợp chống va trôi mùa bão, lũ 19 vị trí, tổng kinh phí 62 tỷ đồng.
Năm 2017, tổng số vị trí cầu cần thực hiện công tác điều tiết bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và kết họp chống va trôi mùa bão, lũ là 54 vị trí với tổng kinh phí 317 tỷ đồng. Năm 2018 sẽ có 62 vị trí với tổng kinh phí 434,7 tỷ đồng.
Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam rà soát, đánh giá hệ thống cầu yếu, nghiên cứu đầu tư dỡ bỏ, thay thế hoặc cải tạo, nâng cấp, lắp đặt hệ thống chống va xô đối với hệ thống cầu đường bộ, đường sắt ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông đường thủy nội địa cũng như kết cấu công trình cầu.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục thực hiện công tác điều tiết bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa và kết hợp chống va trôi đường thủy nội địa trong khi chưa được đầu tư cải tạo, lắp đặt hệ thống chống va xô cầu, vị trí có luồng đường thủy phức tạp (dòng chảy xiên, xoáy, xiết), nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
VIỆT HÙNG (Vietnam+)