Gần 20 năm miệt mài sưu tầm đồ đất nung

16/01/2019 08:03

Họa sĩ Lương Văn Tiến (SN 1979, ở khu dân cư La Văn Cầu, thị trấn Nam Sách) đang sở hữu bộ sưu tập hiếm có gồm hàng trăm đồ vật bằng đất nung, đất đốt mộc mạc gắn với cuộc sống thôn quê xưa.


Anh Tiến với chiếc bình bằng đất nung có thể được sản xuất cách đây nhiều thế kỷ

Say mê

Không gian trong căn nhà của họa sĩ Lương Văn Tiến như một ngôi nhà ở nông thôn xưa với những âu, ang, chum, vại, bình vôi, lục bình, bát điếu, chậu hoa, ấm, bếp... bằng đất. Khác với sự gọn gàng, ngăn nắp ở phần còn lại của ngôi nhà, căn phòng này được chất đầy bởi hàng trăm đồ vật bằng đất là đồ thờ cúng, đồ trang trí, đồ dùng hằng ngày. Nếu nhiều người yêu thích cổ vật phục vụ đời sống của vua quan xưa vì sự tinh xảo và văn hóa đỉnh cao trong từng giai đoạn lịch sử thì anh Tiến lại say mê những vật dụng bằng đất, được làm từ đất thịt không tráng men. Những đồ vật này mộc mạc, ít hoa văn, gần gũi như chính tính cách, cuộc sống dân dã của người dân Việt.

Từ năm 2000 khi dạy học ở Trường Tiểu học Nam Hưng (Nam Sách), anh Tiến đã bắt đầu sưu tầm đồ đất nung, đất đốt. Say mê đến độ tất cả những vùng đất từng ghé chân, anh Tiến đều phải tìm mua đồ đất nếu có. Trong bộ sưu tập của anh có nhiều đồ đất của những địa phương nổi tiếng về gốm như Chu Đậu (Hải Dương), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh), Móng Cái (Quảng Ninh)... Đến nay, gia tài đồ đất nung, đất đốt của anh có từ 500-600 món với nhiều niên đại, chất liệu, xuất xứ, cách thức sản xuất khác nhau. Có những đồ vật có tuổi ít nhất khoảng 100 năm như chiếc lục bình bằng đất màu vốn là vật để thờ cúng trong nhà một ông quan thời phong kiến. "Trước kia, gia đình tôi mua lại nhà của người này, vì vậy tôi giữ lại được một số đồ vật xưa. Tuy nhiên, đồ đất nung, đất đốt khó xác định được niên đại vì cách thức sản xuất đơn giản, không giống như sản phẩm gốm sứ có thể biết tương đối chính xác thời kỳ sản xuất dựa vào kiểu dáng, men, họa tiết, kỹ thuật…”, anh Tiến cho biết.

Gìn giữ dấu xưa

Trong bộ sưu tập của anh Tiến có nhiều đồ độc, hiếm thấy như con lân làm từ đất thó hay bẫy ngựa. Đất thó tạo hình con lân là đất sét trộn với bột giấy. Loại đất này thường được sử dụng để làm phỗng đất hoặc các vật dụng trang trí. Theo dân gian, bẫy ngựa là vật dụng dùng để chôn xuống đất, khi ngựa chạy qua dẫm phải sẽ bị ngã gẫy cổ. Đồ vật có giá trị nhất trong bộ sưu tập này theo anh Tiến là chiếc bình bằng đất có hoa văn được sản xuất cách đây ít nhất 100 năm. Khi một đơn vị trong huyện đào giếng, anh Tiến đã có được chiếc bình này. Chiếc bình có màu đỏ gạch, thân tròn đều từ trên xuống dưới, cao khoảng 30 cm, toàn thân trang trí hoa văn khắc vạch xiên kéo dài từ miệng đến đáy. Những hoa văn này được trang trí sau khi kết thúc khâu tạo hình để sản phẩm có tính thẩm mỹ.

Những vật dụng đơn sơ trong bộ sưu tập độc đáo đã trở thành chủ đề chủ đạo trong các tác phẩm hội họa của anh. Lấy cảm hứng từ những đồ đất này, anh đã sáng tác hàng trăm bức tranh với chủ đề đồ đất hoặc vật dụng một thời. Nhiều tác phẩm của anh được giới chuyên môn đánh giá cao và giành được những giải thưởng uy tín. Tác phẩm “Đồ nghề” cùng chủ đề đồ cũ của anh Tiến đoạt giải Tác giả trẻ của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001 và 2006. Tác phẩm “Đồ đất 5”, “Đồ đất” được Hội Mỹ thuật Việt Nam khen thưởng năm 2009 và 2010. Năm 2016, bức “Đồ vật một thời” được giải khuyến khích của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Giai đoạn 2005-2010 và 2010-2015, anh giành giải C và khuyến khích khi tham dự Giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn với các bộ tác phẩm có chủ đề đồ đất, đồ cũ.

Yêu những đồ vật chân quê, thuần hậu, họa sĩ Lương Văn Tiến đã góp phần bảo tồn, gìn giữ một nét đẹp văn hoá của dân tộc.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 20 năm miệt mài sưu tầm đồ đất nung