Sáng 25-1, gần 2.000 công nhân, lao động (CNLĐ) Công ty TNHH Giày Continuace Việt Nam (Hải Nam), tại thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) đã đình công.
Công nhân đình công tụ tập tại cổng công ty. Ảnh: Lê Xuyền
Nhiều CNLĐ cho biết họ không đồng tình với một số điều khoản công ty đưa ra. Cụ thể, dịp Tết Quý Tỵ sắp tới, công ty cho phép CNLĐ nghỉ 9 ngày, trong đó 4 ngày trừ vào số ngày nghỉ phép trong năm 2013. Người lao động yêu cầu công ty nếu cho nghỉ bù không được tính vào số ngày nghỉ phép. Tiền thưởng Tết của công ty cho CNLĐ chưa thỏa đáng (300 - 500 nghìn đồng/người). Tiền ăn ca 10 nghìn đồng/người/bữa chưa bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Thái độ giao tiếp trong công việc của một số quản lý người nước ngoài thiếu tôn trọng CNLĐ. Thời gian quy định đi vệ sinh không hợp lý. Từ ngày 23-1, công ty chỉ cho phép công nhân ra vào lối cổng phụ, vừa xa, vừa chật chội lại mất vệ sinh. Công ty giữ thẻ bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động của người lao động trái quy định...
Ngay trong buổi sáng cùng ngày, đại diện một số cơ quan chức năng đã đến làm việc với chủ doanh nghiệp tìm hướng giải quyết. Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu lãnh đạo công ty xem xét những kiến nghị của CNLĐ. Đơn vị cần xây dựng kế hoạch nghỉ phép năm cụ thể cho CNLĐ; trong trường hợp công ty không bảo đảm về công việc vẫn phải trả lương cơ bản cho CNLĐ. Dịp nghỉ Tết Nguyên đán, cần tham khảo ý kiến CNLĐ, chia rõ đối tượng nghỉ phép năm, nghỉ tiêu chuẩn việc riêng. Công ty nên cân nhắc tiền thưởng Tết, có chế độ phúc lợi thỏa đáng để giữ chân CNLĐ. Mức ăn hiện nay của công ty còn thấp so với mặt bằng chung. Cần xem xét lại cách ứng xử của cán bộ quản lý người Trung Quốc. Nếu phản ánh này của công nhân là đúng, Sở sẽ tiến hành thanh tra việc doanh nghiệp sử dụng lao động là người nước ngoài, vì Công ty Continuace đang có khoảng 40 lao động người Trung Quốc. Có thông báo dứt khoát về việc trả thẻ bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động cho CNLĐ.
Đến 15 giờ 30 chiều cùng ngày, Công ty TNHH Giày Continuace Việt Nam chưa thống nhất được văn bản trả lời, CNLĐ đã giải tán ra về, chưa chấp nhận vào công ty tiếp tục làm việc.
Trước đó, cách đây khoảng 1 tháng, hơn 1.000 CNLĐ của công ty làm việc tại nhà máy ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cũng đã tổ chức đình công trong 3 ngày. Sau khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, CNLĐ mới trở lại làm việc.
PV