Số người F0 (mắc COVID-19) mới ở TP Hồ Chí Minh giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, những ngày gần đây chỉ ghi nhận dưới 100, thậm chí dưới 50 người/ngày. Có thời điểm nhiều ngày không ghi nhận người tử vong.
Số ca F0 giảm và Việt Nam đang từng bước tiêm phủ kín vắc xin ngừa COVID-19
TP Hồ Chí Minh từng là "tâm dịch" COVID-19 của cả nước với số ca mắc mỗi ngày từ 5.000 - 7.000 người, thậm chí có ngày ghi nhận hơn 10.000 người, con số tử vong cao ngất ngưởng, có lúc hơn 300 người/ngày.
Không riêng TP Hồ Chí Minh có số người F0 giảm, số mắc COVID-19 mới cả nước trong những ngày gần đây giảm nhanh, hiện không còn tỉnh thành nào ghi nhận trên 1.000 người/ngày, trong khi cao điểm tháng 2-3 có trên 30 tỉnh thành có từ 1.000 người/ngày trở lên.
Số ca tử vong hằng ngày giảm xuống dưới 10 người, 85% xã phường cả nước là "vùng xanh". Tình hình lạc quan liệu ngành y tế đã nghĩ đến công bố hết dịch, hay cải tiến quy định phòng chống dịch, hướng tới việc xem COVID-19 như bệnh đặc hữu?
Chờ "không ca mới trong 28 ngày"
COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo quy định hiện hành (Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007) và quyết định 07/2020 về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, chỉ có thể công bố hết dịch nếu không ghi nhận ca mới trong 28 ngày, tính từ thời gian ca bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế.
Với yêu cầu này, mặc dù số người mắc COVID-19 mới hằng ngày liên tục giảm, số ca nặng đang điều trị theo báo cáo của Bộ Y tế còn dưới 700 người (bằng 1/5 thời điểm giữa tháng 3, mức độ nguy hiểm của dịch cũng giảm thấp khi độ phủ vắc xin gần đạt 100% người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi cơ bản, nhưng vẫn rất khó để Việt Nam công bố hết dịch COVID-19.
Đang có dịch nên dù dịch không còn căng thẳng như trước, các hoạt động xã hội khó hoạt động trở lại như bình thường.
Đầu tháng 4 này nhiều du khách đặt phòng ở Côn Đảo than phiền vì bị "đòi" thêm kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Hà Nội vừa mới cho mở lại quán bar, karaoke, vũ trường đầu tháng 4, sau hơn 2 năm đóng cửa vì lo lây lan. Nếu ca mắc COVID-19 tăng lại, học sinh có thể sẽ lại phải ở nhà học trực tuyến.
Chính vì thế, COVID-19 là bệnh nhóm nào, có công bố hết dịch hay không... ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân.
Ban hành quy định dựa vào tình hình mới?
Một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng các yêu cầu phòng chống bệnh truyền nhiễm nhóm A (như COVID-19) hiện nay kết cấu trong luật được thiết kế năm 2007, quy định trong Điều lệ y tế quốc tế, Việt Nam áp dụng cùng nhiều quốc gia trên thế giới. Thời điểm thiết kế chưa có vụ dịch truyền nhiễm nào kéo dài như COVID-19, đến thời điểm này có những điểm "vướng".
PGS Lê Thị Anh Thư - chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam - cho biết dựa vào tình hình mới Bộ Y tế sẽ có ban hành những quy định phù hợp, tuy nhiên sẽ không bàn luận về vấn đề COVID-19 thuộc nhóm A hay B mà sẽ thay đổi theo tình hình mới.
Hướng mà các chuyên gia và Bộ Y tế đang bàn thảo là giảm nhẹ các biện pháp phòng chống theo hướng phù hợp với tình hình dịch. COVID-19 khó lường, nhưng không ngồi chờ thụ động mà mềm dẻo theo diễn biến của dịch.
"Nới" từ từ các biện pháp phòng chống
Mới đây, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần, trong đó ngưng yêu cầu cách ly người tiếp xúc gần (F1), thay bằng theo dõi sức khỏe. Đây được coi là điểm mới, "nới" dần biện pháp phòng chống COVID-19, bởi trước đây người tiếp xúc gần phải bắt buộc cách ly tập trung, sau đó cho phép cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã gỡ nhiều quy định cứng liên quan đến người nhập cảnh, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (không phải cách ly), giảm/ngừng yêu cầu xét nghiệm... Việc đi lại cũng hoàn toàn tự do, không cách ly, xét nghiệm "người từ vùng dịch" như trước đây.
Việc nới các biện pháp phòng chống dịch đã giúp đời sống phần nào trở lại "bình thường mới", nhưng mới là "nới" nên vẫn còn nhiều điểm vướng, COVID-19 dù là bệnh đã cũ, đã quen, không còn mới như hơn 2 năm trước nhưng vẫn chưa phải là bệnh lưu hành.
"Nguyên tắc phòng chống với bệnh lưu hành là phần lớn xã hội vận hành ổn định, các cá nhân đều nắm được yếu tố nguy cơ, hoạt động phòng chống khu trú trong nhóm nguy cơ, nhưng đối với COVID-19 thì biện pháp phòng chống của mình còn rộng quá" - một chuyên gia đánh giá.
Và khi quy định chưa rõ ràng thì nếu số ca mắc tăng trở lại (trong khi số tử vong, số chuyển nặng vẫn thấp), các địa phương vẫn có thể ban hành các quy định chặt chẽ, dễ quản lý nhưng lại khó cho người dân...
Theo một đại diện Sở Y tế, dù chuyển biến dịch ở TP Hồ Chí Minh theo chiều hướng tích cực, nhưng hiện tại vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của bộ và đang chờ bộ ra hướng dẫn tiếp theo từ tình hình thực tiễn.
"Việc thay đổi phương án phòng chống dịch cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, không chỉ nhìn vào tình hình trước mắt. Hiện tại ngành y tế TP cũng luôn linh hoạt, mềm dẻo trong các phương án phòng chống dịch, cách ly và điều trị. Tuy nhiên, việc thay đổi phương án cần chờ quyết định và hướng dẫn nhất quán từ Bộ Y tế", vị này cho hay.
Theo Tuổi trẻ