Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng nhanh mỗi ngày, đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ + ý thức người dân.
Dẫn từ đánh giá của các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết số ca mắc ở Thủ đô vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng chống dịch.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào thực tế các con số mắc Covid-19 được công bố hằng ngày từ Bộ Y tế cũng như Sở Y tế Hà Nội. Theo đó, thành phố vẫn tiếp tục đứng đầu cả nước về số F0 mới mỗi ngày, cho thấy diễn biến dịch rất phức tạp.
Cụ thể, những ngày gần đây, số ca mắc liên tục tăng nhanh, như ngày 23.2 là 7.419 ca, 24.2 là 8.864 ca, 25.2 lên 9.836 ca, 26.2 tăng lên 10.783, tới ngày 27.2 lên đến 11.517 ca. Các ca bệnh trú tại khắp 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội.
Các F0 ra trạm y tế xin xác nhận. Ảnh: Đình Hiếu |
Sau một thời gian không có địa bàn nào cấp độ 3 và 4 về đánh giá cấp độ dịch, nay theo công bố mới nhất của UBND TP Hà Nội đã có 74 xã, phường chuyển sang cấp độ 3 (nguy cơ cao). Hà Nội hiện còn lại 283 xã, phường cấp độ 1 và 222 xã, phường ở cấp độ 2.
Cần bỏ tâm lý “rồi ai cũng là F0"
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguyên nhân dịch bùng lên vì người dân đi lại nhiều nhân dịp Tết Nguyên đán, có thể sự lan truyền của chủng Omicron. Bên cạnh đó cũng có sự chủ quan của người dân, việc thực hiện các biện pháp 5K không triệt để, không thực hiện quy định cách ly, phòng bệnh của Bộ Y tế.
Nêu việc khả năng dịch có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng, đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ + ý thức người dân.
Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, mọi người dân phải nắm được dấu hiệu nhận biết, quy trình chăm sóc, điều kiện cần thiết tại nhà, cần xét nghiệm khi nào để tránh lãng phí, không gây hoang mang, lo lắng; khi có triệu chứng thì cần khai báo, liên hệ với ai, qua hình thức liên lạc nào, bảo đảm quy trình…
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải thường xuyên theo dõi, nắm rõ con số bao nhiêu trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, điều trị tại nhà; tập trung cao độ vào các trường hợp chuyển tầng, thể nặng.
PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị cần siết lại các biện pháp phòng bệnh, nới lỏng chứ không phải buông xuôi, thả lỏng; người dân phải thực hiện 5K, cách ly cho chuẩn, tránh tụ tập đông người, giảm những hoạt động nguy cơ cao mà không thiết yếu… Nếu không, dịch bùng phát mạnh thì hệ thống y tế không đáp ứng nổi, chưa kể nhân viên y tế cũng bị thiếu hụt do nhiễm bệnh.
Ông Phu cũng cho rằng, người dân cần bỏ tâm lý “rồi ai cũng là F0”, vì không phải tất cả F0 đều có triệu chứng nhẹ, F0 sẽ trở thành nguồn lây cho người khác, lây cho người có bệnh nền và người già, người chưa tiêm vắc xin làm cho những người này chuyển nặng, chưa kể người mắc rồi vẫn có thể tái nhiễm, rồi hậu Covid-19 có thể xảy ra sau này.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch trong môi trường thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19 thì không chỉ trông chờ vào các giải pháp từ phía chính quyền và cơ quan chức năng, yếu tố quan trọng, cần thiết và quyết định nhất vẫn là ý thức, hành động từ phía người dân.
Sự chủ quan, coi thường dịch bệnh sẽ khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng gia tăng, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ y tế và chính quyền cơ sở, gây ra tình trạng quá tải, nhiều ca bệnh nặng sẽ không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Vắc xin phòng Covid-19 dù có được tiêm phủ khắp cộng đồng, nhưng nếu người dân không phát huy tinh thần tự giác, nâng cao trách nhiệm, chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng thì dịch bệnh sẽ không thể bị ngăn chặn và đẩy lùi. Do đó, điều quan trọng nhất trong lúc này là mỗi cá nhân cần tăng cường “vắc xin ý thức”.
Theo Vietnamnet