Đây là ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) của đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 31.5, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng trẻ em là tương lai của đất nước, phát triển toàn diện trẻ em là một trong những mục tiêu bền vững mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Trẻ em cần được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đồng bộ trong cả 3 môi trường là gia đình, nhà trường, xã hội. Mặc dù công tác phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được quan tâm chỉ đạo, cải thiện nhưng số lượng các vụ việc BLGĐ đối với trẻ em vẫn còn ở mức cao và gây hậu quả nghiêm trọng. Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là cực kỳ quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai.
"Trẻ em là một đối tượng yếu thế chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự vệ và nhận thức về BLGĐ còn hạn chế, còn yếu thế hơn những đối tượng yếu thế khác trong gia đình như phụ nữ, người già, người khuyết tật. Do đó, trẻ em cần được xác định là chủ thể đặc thù để có một nguyên tắc riêng, một hệ thống các quy định riêng xuyên suốt trong dự thảo luật", đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết.
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng hành vi phát tán thông tin về đời tư của người bị BLGĐ đã được nêu tại điều 3 dự thảo luật nhưng đối với các trường hợp người bị BLGĐ là trẻ em thì các thông tin cần giữ kín không chỉ về nhân thân, chỗ ở mà còn là trường học, hình ảnh và các thông tin định danh liên quan khác của trẻ. Quy định về báo tin, xử lý tin báo BLGĐ, điều 27 dự thảo luật quy định địa chỉ tiếp nhận tin báo tố giác BLGĐ gồm UBND, cơ quan công an, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, đường dây nóng, người đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp trẻ em khó tiếp cận được với các địa chỉ này. Những người các em có thể báo tin nên gần gũi như thầy cô giáo, hàng xóm hay bất cứ người lớn nào về hành vi BLGĐ. Liên quan đến các giải pháp phòng ngừa BLGĐ cho trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực như truyền thông, hoà giải... có thể không phù hợp trong trường hợp BLGĐ với trẻ em.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng quy định về 4 loại hình bạo lực đối với trẻ em cũng cần được làm rõ hơn: "Hành vi chứng kiến BLGĐ, ép con học cũng là một hành vi bạo lực tinh thần. Cha mẹ ép con học quá nhiều hoặc lăng nhục, chửi mắng khi con không đạt thành tích như kỳ vọng có thể được liệt kê vào các trường hợp bạo lực về tinh thần. Những thúc ép từ sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ sẽ dẫn tới sự căng thẳng tâm lý, gây ra những áp lực đối với trẻ em, dần dần tích tụ có thể gây trầm cảm hoặc các hành vi quá khích, tự tử...".
Hiện nay, ngành giáo dục đang nỗ lực từng bước giải quyết vấn nạn này một cách căn cơ, bài bản tại các nhà trường nhưng để triệt để thì cần sự chung tay của gia đình và xã hội. Việc quy định hành vi ép con học là một trong những hành vi BLGĐ để phòng ngừa, xử lý và góp phần xoá bỏ bệnh thành tích trong môi trường gia đình là rất cần thiết.
PHẠM TUYẾT