|
Minh họa: Phùng Anh Bản |
Bố gọi điện lên bảo: "Mày về, sang tháng em mày lấy chồng". Tôi sửng sốt. Sao nó chẳng nói với tôi, tôi là chị nó cơ mà. Lâu lắm rồi nó không nhắn tin hay gọi điện hỏi han xem tôi học hành thế nào, tôi đợi hoài nhưng cứ bặt tin. Không hiểu điều gì đã làm chị em tôi có khoảng cách xa mãi thế.
Bắt xe về quê, thấy cồn cào ruột gan. Tại sao lại thế? Cái khoảng cách giữa hai chị em làm tôi thấy buồn, không phải né tránh nhưng cũng không muốn đối mặt, thấy mông lung. Gió từ khung cửa sổ xe phả vào mặt tôi, tung những lọn tóc rối bời, gió quật vào mắt cay cay, cảm giác buồn hay một thứ gì đó không thể diễn tả nổi.
Ngày mẹ ốm, mẹ gọi tôi đến dặn dò: "Nhà có hai chị em phải thương lấy nhau, con phải học tốt để sau này còn lo cho em, nó còn bé quá". Tôi luôn nghĩ đến lời dặn của mẹ mà dốc sức học. Mệt mỏi lắm nhưng cứ nghĩ phải lo được cho em hay ít ra cũng để nó được tự hào về chị của nó, tôi lại cố gồng mình lên. Tôi đã sắp sẵn kế hoạch cho hai chị em, khi tôi ra trường sẽ cho nó thi đại học để nó được học tiếp. Nhà khó khăn, tôi biết nó thương tôi mà ở nhà chứ không thi đại học. Hai chị em cùng đi học, lấy đâu ra tiền. Tôi biết nó buồn. Trong khi bạn bè cuối cấp bàn tán nhau xem thi trường gì thì nó tỏ ra làm ngơ, bất cần. Nó ít cười, ít nói. Nó bảo nó không thích học đại học, con gái học làm gì nhiều. Nó nói dối. Tôi nhận ra là mình ích kỷ, tôi không biết nó đã nhiều đêm ngồi khóc bên cạnh gốc xoan phía sau nhà.
Ngày tôi có giấy gọi đại học, nó mới vào học phổ thông. Nó bảo em muốn được lên Hà Nội học cùng chị. Tôi động viên bảo em học tốt, sẽ được lên Thủ đô. Nói vậy vì tôi tin vào sức học của nó, nó luôn ngoan, chịu khó và thông minh lắm. Vẫn còn nhớ ngày tôi về thăm nhà với mái tóc cắt ngắn thay vì mái tóc dài óng mượt ngày xưa. Nó lặng đi, nhìn tôi không nói. Tôi chỉ biết cười trừ và nói ra thành phố học để tóc dài vướng víu, rồi tốn nước, tốn dầu gội... Nhưng đó chỉ là ngụy biện. Nó hỏi:
- Em gửi bồ kết, chị không dùng sao?
- À! Có, nhưng dạo này bận thi chị không bắc nước đun được.
Tóc nó dài đến đầu gối, đen màu mun như tóc mẹ ngày xưa. Nó yêu mái tóc dài của mẹ. Nó nũng nịu bảo: "Chị Phương ơi, em không nhớ nổi khuôn mặt mẹ ra sao, chỉ nhớ mẹ có mái tóc dài rất đẹp. Em cũng để tóc dài như mẹ, chị đừng cắt của em". Từ đó, tôi thường xuyên đun nước bồ kết và gội đầu cho nó. Những lần về thăm nhà, tôi cũng không quên xin nước mưa về đun bồ kết với lá sả để hai chị em dùng. Khuôn mặt vui mừng của nó, dễ thương biết nhường nào.
Vậy mà giờ em đã lớn, em đi lấy chồng. Tôi vẫn chưa chuẩn bị tâm lý cho việc này. Tôi ích kỷ, không muốn giao em cho người khác. Tôi đã quá quen với việc có nó. Tôi cũng không nhớ, khoảng cách của chị em tôi xa dần từ lúc nào. Có lẽ cũng khá lâu, từ khi nó bảo: "Chị ơi, em đã yêu". Nó tưởng tôi đồng tình và mừng cho nó. Nhưng tôi mắng nó thậm tệ, rằng em còn quá bé, chưa đủ chín chắn để suy nghĩ, rằng em phải đi học tiếp... Tôi vội vàng, tôi cuống quýt như lo sợ mình không nhanh tay thì em sẽ rơi xuống vực thẳm. Tôi kịch liệt phản đối. "Con gái ngoan không yêu linh tinh". Tôi nói vậy và chưa hề hỏi: "Em yêu ai?".
Tin em lấy chồng làm tôi cảm thấy mình bất lực. Tôi giận nó. Tôi không muốn đối mặt với chuyện này.
Cánh đồng lúa ngút ngắt trải dài trước mắt tôi gần gũi, thân thương quá. Tôi ước em gái mình vẫn còn bé như ngày xưa, để tôi dắt tay nó đi bên triền đê lộng gió và nghe sáo diều vi vu hát. Nó vẫn thích thế, đi trên triền đê và nhìn xa xăm vào cánh đồng, lẫn mình vào triền dâu xanh ngắt. Nó vẫn thường thả tóc dưới hoàng hôn, gió chiều làm tóc nó tung bay. Càng lớn nó càng giống mẹ. Nó có cái dịu dàng và bất trị. Một cái gì đó mông lung lạ thường không định hình nổi cảm giác khi đi bên cạnh em gái của mình.
Tôi nổi giận hay một cảm giác gì khác nữa, nó không nghe lời tôi. Tôi sẽ về và nói với nó rằng: "Chị yêu em biết nhường nào, tại sao em không hiểu, vì em chị có thể làm tất cả nhưng em trả lại chị được cái gì? Em làm chị thất vọng". Nghĩ đến đây tim tôi đau nhói, tôi vẫn không thể tin được vào những gì mình nghe, mình thấy và đang cố làm một cái gì đó như nổi loạn để cho em gái mình một bài học. Đúng. Tôi đã nhủ là phải thế.
Cầu Xi Phông đã hoàn thiện. Ngày còn sống, mẹ cứ mong người ta làm cái cầu thật đẹp để những đứa trẻ trong làng đi học thuận tiện. Ngày xưa, bắc qua con sông chỉ là một cây cầu gỗ nằm vắt vẻo như cái cầu khỉ của người miền Nam. Mỗi lần đi học, chúng tôi đều phải đi trên cây cầu này. Phụ huynh không khỏi lo lắng. Giờ nó được xây mới rồi, khá khang trang. Từ ngày nó bắt đầu được xây dựng thì tôi vào năm học mới, từ đó đến nay tôi mới có dịp về nhà. Lần về nhà không có kế hoạch sắp xếp. Lần đầu tiên không có cảm giác hào hứng, chân tay bải hoải muốn tìm một góc nào đó mà ngồi phịch xuống, không khuôn phép, không lễ nghi, tôi sẽ như một bé gái 5 tuổi học lớp mẫu giáo và khi ấy có thể làm những gì mình muốn. Có ích kỷ quá không?
Gió thốc vào làng mạnh hơn, mang hương thơm thanh khiết từ phía đồng bãi dội lại. Tôi đặt chân trần xuống mảnh đất quê mình thấy cái lạnh xông lên tận đỉnh đầu sảng khoái hơn. Bao nhiêu năm, con đường đất dẫn vào làng vẫn thế, trên con đường ấy đã in sâu hai bàn chân tôi. Hai bàn chân kén đất, chẳng nơi nào đôi chân trần ấy lại trỗi dậy cảm giác thiêng liêng như nơi này. Thấy bình yên, giá mà mãi mãi giữ được cái cảm giác ấy. Cây dừa đầu cổng tươi tốt, những cành vươn dài như reo vui. Phải rồi, cô chủ nó sắp lấy chồng mà. Tôi đứng sững ngoài cổng, cảm giác mơ hồ, vỡ mộng hay trốn tránh. Gặp em tôi sẽ nói câu gì đầu tiên với nó, đầu óc tôi lại quay cuồng. Đất dưới chân chợt nóng bừng. Nói gì đây? Nói gì, hay là trách móc. Một mớ hỗn độn. Không phải tôi đã nghĩ ra một đống lời để nói với nó trên đường về đấy thôi. Miệng tôi như bị ai khóa, đầu óc loạn nhịp. Em kìa, em mình đó sao? Nó đẹp. Nó thay đổi nhiều, càng ngày nó càng giống mẹ. Em chạy ra xách túi cho chị, em cười gượng hay em đang cố kìm những giọt nước mắt. Sao lại phải thế? Hai chị em không nói với nhau một lời. Nặng nề sao những giây phút này. Tại sao em không nói?
Em hỏi:
- Sao chị về mà không nói gì với em?
- Ừ! Tại sao lại không nhấc nổi miệng lên mà nói với em lời nào nhỉ? Sao em không hỏi ý kiến chị? Sao lại là lúc này, chị chưa chuẩn bị. Em còn quá nhỏ. Tất cả là ngụy biện.
- Chị mệt, mai nói chuyện.
Tôi đổ mình xuống chiếc giường kẽo kẹt, tiếng mọt đẽo gỗ, tiếng thở hòa làm một. Im lặng làm tôi sợ. Từ ngày mẹ mất, ngôi nhà này bớt đi tiếng cười nói nhưng cũng không thể nào lặng thinh như lúc này. Chắc ngày mai bố mới về. Công việc trong đầm cá chiếm hết thời gian của ông. Ông chỉ về nhà vào buổi sáng rồi lại ra đầm. Những ngày lễ, tết may ra ông mới ở nhà. Con Út buồn, một mình nó trong ngôi nhà này đã gần 4 năm. Bốn năm tôi xa nhà đi học, nó một vai gánh vác công việc đồng áng, trông coi nhà cửa, bốn năm nó cô đơn.
Tiếng khóc thút thít sau nhà làm tôi tỉnh giấc. Nó lại khóc rồi. Tôi phải làm sao? Tôi sợ nước mắt, nước mắt làm tôi mềm yếu. Tôi không đủ can đảm mà đến cho em gục vào vai để khóc. Chắc nó muốn chị nó khóc cùng sao! Đêm dài quá, tiếng mọt đẽo gỗ càng to hơn, hút tôi vào khoảng tối lọt thỏm. Tôi đang rơi, không một thành bám víu. Tôi thấy mẹ đứng trên cầu Xi Phông, cười rạng rỡ. Những tia nắng mai chiếu vào mẹ, cánh áo tung bay. Tôi ngửi thấy mùi gió từ con sông trước nhà dội vào. Cái mùi hanh hao quện với mùi bồ kết trên tóc mẹ. Tôi bước theo mẹ mà mẹ cứ lùi dần. Vẫn nụ cười ấy, mẹ đi dọc theo thành cầu. Sao cây cầu này dường như dài quá. Tôi cứ đi, đi mãi, mẹ xa dần. Tôi thảng thốt vùng dậy. Mồ hôi toát ra từ phía sống lưng làm tôi nóng bừng. Em đang gội đầu, mùi lá sả, mùi bồ kết xông lên mũi. Tôi muốn vùng dậy chạy ra gội cho em thì nghe tiếng người lạ. Người ấy khéo léo đổ từng gáo nước lên tóc em, suối tóc chải dài đen óng. Tóc nó dài qua gối rồi, nhanh thật.
Người lạ chào tôi và gọi tôi là chị. Không quen với sự có mặt của người lạ, người không mong đợi. Nhưng tôi vẫn chào lại cho phải phép. Nó có vẻ bối rối.
- Chị, đây là chồng em.
Chồng em. Nó khẳng định chắc chắn với chị để chị biết không phải mình đang mơ sao? Tôi khó chịu. Tôi bước ra ngoài vườn bức bối. Hình như khu vườn xanh hơn, rất nhiều rau. Phía bên những gò đất còn cả những ụ sắn dây đang ngoi lên um tùm. Cây xoan đang ra hoa, tím một góc vườn. Những con chim non đang tập bay ríu rít nhảy từ cành nọ sang cành kia. Trông đến là ngộ. Tôi bật cười. Tôi thấy mình thật vô lý. Thật ra em rể trông khá chững chạc, nhìn thấy nó tôi có cảm giác yên tâm hơn. Em buồn, mỗi lần nhìn thấy nó buồn, tim tôi như ngàn vết dao cứa. Vậy sao tôi lại có thể để nó buồn hơn nữa.
Thằng em rể có vẻ nhanh nhảu, nó hỏi han mọi thứ. Công việc nhà nó làm thoăn thoắt như thể đã quen lắm. Mà cũng phải, em nói em yêu đã lâu rồi. Chỉ tại tôi phũ phàng gạt phắt đi, không cần hỏi đó là ai và em cũng không cần biết lý do vì sao. Tôi đã quên, tôi nghĩ nó nghe lời tôi, để bây giờ lâm vào thế đã rồi.
Đêm trăng sáng, tôi ngồi bên cạnh em gái mình, để nó gục đầu vào vai. Nó chưa bao giờ khóc khi ở bên tôi. Nó can đảm hay nó đã quá quen với việc gồng mình lên. Nó không muốn tôi phải lo cho nó. "Nếu em là con trai sẽ rất ngông". Tôi thường trêu nó thế. Vậy mà hôm nay em khóc. Khóc ướt đẫm vai chị. Tóc em thoang thoảng mùi lá sả, mùi bồ kết. Hoa xoan trên cây vẫn rụng từng cánh mỏng manh sau mỗi cơn gió nhẹ. Em bảo chồng em là kỹ sư cầu đường. Tôi bất ngờ. Hóa ra nó về xây dựng cầu Xi Phông? Cây cầu mà từ lâu mẹ mơ ước.
Ngày em về nhà chồng, bố khóc, chị cũng khóc. Trên bàn thờ hình mẹ nhòe đi trong đôi mắt ngấn lệ của em. Em nhìn chị và chị hiểu em đang rất hạnh phúc. Em đã lớn thật rồi, em về với cuộc sống mới sẽ mạnh giỏi hơn. Trên cầu Xi Phông, bóng cô dâu xinh tươi bên cạnh chú rể. Gió lùa vào tóc, chiếc nơ cài đầu xinh xinh bay trong gió. Họ hàng hai bên cười nói rộn ràng. Hình như ánh mắt mẹ hướng về phía cầu Xi Phông dõi theo từng bước em đi!
Truyện ngắn của ĐỖ HUYỀN ANH