Ế ẩm tín dụng xanh

12/05/2022 05:30

Trái ngược với sự tăng trưởng tín dụng chung, tín dụng xanh vẫn đang là “vùng đất ít được khai phá” khi chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ ngành ngân hàng toàn tỉnh hiện nay.

Cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút dự án, doanh nghiệp xanh, tạo điều kiện thúc đẩy tín dụng xanh

Tín dụng xanh là các gói tín dụng ưu đãi dành cho cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh không gây rủi ro tới môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái. Dù với định hướng đúng đắn nhằm thực hiện phát triển bền vững, song con đường “xanh hóa” nền kinh tế không đơn giản. Tỷ trọng tín dụng xanh vẫn rất khiêm tốn trong tổng dư nợ ngành ngân hàng toàn tỉnh hiện nay. 

"Vùng đất ít được khai phá"

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, hết tháng 4, hoạt động tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, cả dư nợ ngắn hạn, trung và dài hạn đều tăng trưởng so với tháng 3 và cuối năm 2021. 

Trái ngược với sự tăng trưởng tín dụng chung ấy, tín dụng xanh dường như vẫn là “vùng đất ít được khai phá”. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hải Dương, tổng dư nợ hiện đạt 19.290 tỷ đồng nhưng dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 19,2 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 0,1%. Anh Nghiêm Trọng Tùng, chuyên viên tín dụng Phòng Khách hàng doanh nghiệp ngân hàng này chia sẻ: “Gói cho vay ưu đãi khách hàng đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao được Agribank chi nhánh Hải Dương triển khai nhiều năm nay nhưng hiện chỉ phục vụ tài trợ vốn ngắn hạn cho 2 khách hàng”. Với gói vay ưu đãi này, khách hàng đủ điều kiện sẽ được giảm lãi suất từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn thông thường. Bên cạnh quy định từ ngân hàng, khách hàng cần đáp ứng các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được nêu trong Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14.3.2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Nhiều khách hàng không đáp ứng được tiêu chí nêu trong quyết định này nên dù muốn cũng không được phê duyệt cho vay, buộc phải vay theo các gói thông thường”, anh Tùng cho biết.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Hải Dương đang cấp vốn ngắn hạn cho 1 khách hàng có phương án kinh doanh thân thiện với môi trường, dư nợ đạt 1.100 tỷ đồng, chiếm hơn 17% tổng dư nợ. Chị Đỗ Minh Hải, Trưởng Phòng Bán lẻ cho rằng dù được hưởng nhiều ưu đãi, nhất là lãi suất nhưng trong nhiều năm qua ngân hàng chưa có thêm khách hàng nào tiếp cận tín dụng xanh. “Hải Dương hiện chưa có nhiều dự án, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp các gói tín dụng đặc thù cũng là nguyên nhân khó thúc đẩy tín dụng xanh”, chị Hải nói.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh chỉ có 2 khách hàng đang vay vốn thông qua gói tín dụng xanh từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hải Dương

Hướng nào để khơi thông?

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh từng thực hiện khảo sát tại một số chi nhánh ngân hàng lớn trong tỉnh về việc triển khai tín dụng xanh. Kết quả cho thấy tín dụng xanh chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ của từng ngân hàng. Ngay cả lĩnh vực kinh tế chủ đạo của tỉnh là nông nghiệp, toàn tỉnh cũng chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp tín dụng xanh thông qua Agribank.

Trao đổi với nhiều ngân hàng, được biết dự án đầu tư vào lĩnh vực xanh có đặc thù thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn. Mặt khác chi phí cho vay các dự án xanh thường cao hơn dự án thông thường do đi kèm nhiều ưu đãi, dẫn đến hiệu quả cho vay các dự án này không cao, do vậy nhiều ngân hàng chưa đặt tín dụng xanh vào mảng ưu tiên trong chiến lược kinh doanh.

Ngoài ra, việc thẩm định các dự án xanh đòi hỏi nhiều nội dung phức tạp do liên quan đến công nghệ mới, tính chặt chẽ trong tiêu chí về kỹ thuật, rủi ro môi trường… trong khi cán bộ ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu. Đây cũng là một rào cản khi triển khai tín dụng xanh.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đông dù có các gói tín dụng xanh nhưng nhiều năm nay chưa có khách hàng tiếp cận. Ông Bùi Xuân Như, Giám đốc chi nhánh cho biết: “Có thể nói ế tín dụng xanh là thực trạng chung trên cả nước, không riêng tại Hải Dương. Muốn khơi thông dòng vốn này, trước hết cần có khách hàng đủ điều kiện, tiếp đến là hoàn thiện các khung khổ pháp lý liên quan”.

Hải Dương cần có chính sách, cơ chế thu hút đầu tư vào các lĩnh vực xanh cũng như khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các tổ chức, ban, ngành để xác định tiêu chí, định mức cho dự án xanh. Từ đó ban hành bộ tiêu chuẩn đầy đủ về môi trường trong từng lĩnh vực, quy định cụ thể về hoạt động tín dụng xanh đối với các tổ chức tín dụng.

Cần có cơ chế đặc thù cho các gói tín dụng đặc thù. Đây cũng là ý kiến của đại diện nhiều ngân hàng trong tỉnh. Tín dụng xanh bản chất là tín dụng ưu đãi lãi suất, do đó để lãi suất cho vay thấp thì lãi suất nguồn vốn đầu vào cũng phải thấp. Nếu có nguồn vốn đầu tư đặc biệt cho tín dụng xanh, tương tự các gói hỗ trợ liên quan đến Covid-19 thì ngân hàng mới có thể đưa tín dụng xanh thành mục tiêu kinh doanh. “Cần đẩy mạnh thông tin về tín dụng xanh tới doanh nghiệp, thúc đẩy cung-cầu, đồng thời để doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng xanh”, chị Đỗ Minh Hải nói thêm.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ế ẩm tín dụng xanh