Duyên nghiệp cùng đàn đáy, ca trù

14/08/2015 17:13

Tâm nguyện lớn nhất của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ là làm sao lưu lại được tiếng đàn cho đời, giữ được lửa ca trù cho thế hệ sau.

Đến với cây đàn đáy, với nghệ thuật ca trù từ năm 10 tuổi, đến nay dù đã ngoài 90, nhưng “Đệ nhất danh cầm” Nguyễn Phú Đẹ (người huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) vẫn ngày ngày làm bạn với cây đàn đáy, nhớ từng câu hát ca trù… Tâm nguyện lớn nhất của ông là làm sao lưu lại được tiếng đàn cho đời, giữ được lửa ca trù cho thế hệ sau.

Rõ tưng bừng, rõ say sưa…

Ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, người được giới chuyên môn và những người yêu ca trù mệnh danh là “đệ nhất danh cầm” của làng ca trù hiện nay, nằm ven con đường làng văng vẳng tiếng đàn lúc trầm bổng, tha thiết, lúc lại nhẹ nhàng, tinh tế… như bày tỏ nỗi lòng của người cầm đàn.


Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ


Đã ở tuổi ngoài 90, nhưng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ vẫn nhanh nhẹn, tinh anh lắm, nhất là khi nhắc đến ca trù, đến đàn đáy, thì ông dường khỏe hơn, yêu đời hơn. Ông kể: Ông sinh năm 1923, trong một gia đình có truyền thống đàn, hát ca trù. Ông, bà, bố mẹ, rồi cả các cô, các bác của ông đều là những ca nương, kép đàn nổi tiếng trong giáo phường ca trù Tứ Kỳ ngày xưa. Năm lên 10 tuổi, ông bắt đầu theo bố học đàn.

Suốt 5 năm miệt mài, vừa đi phụ giúp cha biểu diễn, vừa học hỏi các ngón nghề của cha, đến năm 15 tuổi, chàng trai Nguyễn Phú Đẹ bắt đầu rong ruổi cùng những đào nương, kép đàn trong giáo phường đi khắp nơi đàn hát kiếm tiền. Từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… nơi đâu có việc mời là ông lại xách đàn đi. Ông Đẹ kể lại: “Khoảng những năm 1935 - 1945, ca trù thịnh lắm. Không đâu không hát ca trù. Từ đám cưới, đám hỏi, rồi đám lên lão, khao thưởng, hội làng, hội xã… đâu đâu cũng mời các giáo phường ca trù về hát. Nhất là những ngày hội làng, ngày giỗ tổ, có khi có hàng chục làng vào hát thâu đêm suốt sáng, rõ tưng bừng, rõ say sưa!”, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ bồi hồi nhớ lại.

Cũng theo lời kể của ông Đẹ, thời đó, ca trù được nhiều người ưa chuộng, nên đi đến đâu cũng được trọng, các gia đình luôn đối đãi tử tế với các giáo phường, không bao giờ để mất lòng đào, kép. Mỗi buổi đi hát được trả công cả đồng bạc trắng, mua được mấy thúng thóc thời bấy giờ… Gia đình ông không chỉ đủ sống, mà còn làm giàu bởi nghề đàn, hát ca trù. Nhưng rồi đến năm 1946, bước vào kháng chiến chống Pháp, hát ca trù không còn được thịnh hành, vậy là treo đàn, chuyển sang cuốc đất.

Tay cầm đàn vốn nhẹ nhàng, mảnh mai là thế, nhưng phải về cuốc đất, làm ruộng để sinh sống, ông bảo: “Cơ cực lắm, nhưng thời thế đổi khác, người dân không còn thích nghe ca trù thì biết làm sao!”. Khi ấy, ông cũng tiếc nghề cha ông lắm, bởi ca trù nó hay thế, mà không còn ai nghe nữa, đành treo 3 cây đàn lên tường nhà, để rồi những khi không “cầm lòng được”, ông lại mang đàn xuống gảy vài khúc cho đỡ nhớ. Cho đến một ngày, giặc tràn vào nhà cướp bóc, thấy những cây đàn ông treo trên tường, chúng lôi xuống đập tan hết cả. Vậy là ông cũng chẳng còn đàn để đánh nữa. “Nhiều đêm nằm không ngủ được, vì tiếc những cây đàn, tiếc vì ca trù, một nghệ thuật hay thế lại không còn nữa…”, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ tâm sự.

Vẫn vương nghiệp đàn…

Những tưởng rồi nghiệp đàn của ông thế là hết, nhưng có lẽ cơ duyên chưa dứt, nên đến năm 1995, ông lại có dịp để trở về với tiếng đàn, tiếng tơ… Ông Đẹ kể, ngày đó, phòng Văn hóa huyện Tứ Kỳ tìm người hát ca trù để khôi phục lại nghệ thuật này, nhưng lúc đó huyện không còn mấy ai biết đàn, hát nữa. Một người ở cùng xã biết tiếng ông từ xưa, nên giới thiệu với cán bộ Phòng Văn hóa huyện Tứ Kỳ, rồi họ xuống mời ông lên, mời ông đàn hát ca trù. Không có đàn, Phòng Văn hóa cho tiền mua đàn, ông về nhà, hướng dẫn thợ mộc đóng lại cho cây đàn đáy, và thế là ông bắt đầu đánh đàn trở lại.

Hơn 40 năm không cầm đàn, nhưng ông vẫn nhớ từng ngón đàn, từng điệu hát. Được đánh đàn trở lại, ông như được hồi sinh, lại say sưa, miệt mài luyện những ngón đàn, nhớ lại những bài, những điệu hát ca trù xưa. Kể từ khi biết lại có thể được đàn, hát ca trù, ông vui lắm. “Nhiều hôm nằm không ngủ, trong đầu nhớ ra một bài hát, vậy là lại lụi cụi ngồi dậy ghi lại, vì sợ hôm sau sẽ quên mất. Ấy vậy mà cũng nhớ và ghi lại được khối bài. Bây giờ, chỉ cần nhắc đến tên bài, là ông nhớ ngay cách đàn với những ngón luyến láy của nó”, ông tự hào khoe.

Trở lại với cây đàn, tiếng tăm của ông được nhiều người biết đến. Giới chuyên môn và công chúng yêu ca trù gọi ông là “Đệ nhất danh cầm”, bởi ở ông có những ngón đàn được công nhận là độc chiêu. Những ngón nhấn, chùn, rung, chụp... của ông đạt đến độ tuyệt kỹ, khiến cho người nghe mê mẩn. Nhiều địa phương đã mời ông đến biểu diễn, mời ông tham gia giảng dạy đàn, hát ca trù cho các lớp học, các câu lạc bộ... Từ Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ… nhiều cuộc liên hoan ca trù, ông lại được mời vào ban giám khảo.

Cũng có nhiều người nghe tiếng ông, đến xin ông dạy đàn. Trong số các học trò theo học đàn của ông, có hai người là con cưng, có thể nói học được của ông nhiều “ngón nghề” nhất, là đào đàn Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thăng Long hiện nay và anh Phạm Đình Hoằng, vốn là họa sỹ, nhưng vì đam mê tiếng đàn của ông mà xin theo học.

Cho đến giờ, hễ khi rảnh rỗi, những học trò của ông lại tìm về Hải Dương, lại cùng ông trò chuyện về ca trù, về cách đàn thế nào, hát thế nào cho hay. Có khi lại “khoe” với ông những ngón mới học xong, rồi lại cố học cho được những ngón đàn độc, khó của ông… “Hắn cứ vẫn xuống đây, tìm tiếng đàn thật khó để học”, ông nói về các học trò của mình. Rồi ông khuyến khích: “Cứ chịu khó học đi, còn miếng nào, ông sẽ dạy hết, không giấu làm gì. Ông chỉ mong làm sao càng nhiều người biết đàn, biết hát ca trù, càng tốt, như vậy ca trù mới phát triển được, mới giữ được nghiệp tổ tiên. Đó mới là điều quan trọng”.

Thấm thoắt đã 20 năm, kể từ khi nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trở lại với cây đàn, với nghệ thuật ca trù. Giờ ông đã già lắm, sức khỏe cũng kém nhiều, nhất là mỗi khi trái nắng trở trời, ông đã nhiều lần phải vào viện điều trị. Nhưng cứ có thời gian, ông lại ôm đàn. Ông bảo: “Giờ ông tuổi này rồi, có thể buông bỏ hết cả, chả nuối tiếc gì. Nhưng mà đàn thì không bỏ được. Nó như cái nghiệp vương vào người rồi, không khác được, cứ khi nào có việc cần suy nghĩ, hay có chuyện buồn, ông lại cầm cây đàn gảy vài khúc nhạc, thế là bao nhiêu mệt mỏi, buồn bực tiêu tan hết. Thế mới tài con ạ!”. Nói rồi, ông lại cầm lấy cây đàn, những khúc nhạc trầm bổng lại tiếp tục vang xa.

Theo Báo Tin tức


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Duyên nghiệp cùng đàn đáy, ca trù