Dịch Covid-19 bùng phát, các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh khó tiêu thụ, vì thế chuỗi liên kết sản xuất của HTX bị "đứt gãy" .
Sản phẩm cá trắm, chép giòn của HTX Thu Nam Toản Trí Hải không thể tiêu thụ do dịch Covid - 19
Khủng hoảng
Nhiều năm nay, HTX Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) luôn đi đầu trong liên kết, bao tiêu nông sản cho nông dân trong vùng. Ngoài 30 ha rau màu do HTX trực tiếp sản xuất còn gần 100 ha liên kết với các hộ dân. Từ giống, phân bón tới kỹ thuật trồng đều được HTX cung ứng và hướng dẫn các thành viên chăm sóc. Nhờ sản xuất theo quy trình kỹ thuật an toàn, hiện đại nên nông sản của HTX đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính. Giá thu mua nông sản của HTX thường cao hơn ngoài thị trường từ 15 - 20%. Có hợp đồng ổn định, nông dân không phải lo đầu ra của sản phẩm. Các hộ liên kết với HTX đạt giá trị kinh tế cao hơn so với các hộ bên ngoài chuỗi liên kết. Thế nhưng, dịch Covid - 19 bùng phát trên địa bàn tỉnh đã làm đảo lộn mọi thứ. "Từ chỗ cung không đủ cầu, chúng tôi liên tiếp bị hủy đơn hàng. Chuỗi liên kết bị gián đoạn, hàng hóa không thể lưu thông. Để tiêu thụ được nông sản, chúng tôi phải nhờ đến sự chung tay của các ngành, đoàn thể và người dân. Nhiều diện tích rau phải bỏ do quá lứa, giá nông sản xuống thấp, số tiền thu về không đủ bù chi phí sản xuất", ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức nói.
Sản phẩm chất lượng, giá bán trên thị trường cao nhưng lại không thể tiêu thụ được hàng. Đây là thực tế đang diễn ra tại HTX Chăn nuôi và thủy sản Thu Nam Toản Trí Hải. HTX có 7 thành viên với 200 lồng nuôi cá ở 2 xã Cộng Hòa và Nam Tân (Nam Sách). Tại xã Cộng Hòa, tiêu thụ cá lồng gặp không ít khó khăn, còn ở xã Nam Tân thì không thể tiêu thụ do nằm trong vùng "phong tỏa của phong tỏa". Hiện giá cá giòn đang ở mức cao từ 125.000-130.000 đồng/kg nhưng 100 tấn cá của HTX không thể xuất bán. Trong khi đó, chi phí thức ăn, thuốc thủy sản ngày càng tăng.
Anh Lương Quang Hải ở thôn Chi Đoan, xã Cộng Hòa (Nam Sách), thành viên của HTX cho biết trước khi dịch bệnh xảy ra, HTX vẫn kết nối giúp người dân tiêu thụ sản phẩm. Dù chưa vào được hệ thống siêu thị lớn nhưng sản phẩm của HTX đã bán cho nhiều nhà hàng, chợ với số lượng không hạn chế. Với mỗi lồng cá trắm, chép giòn, anh Hải thu lãi hơn 100 triệu đồng. "Chi phí chăn nuôi phát sinh tăng nhanh trong khi vốn không thể thu hồi. Với 20 lồng cá không bán được, tôi phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi mỗi tháng. Nếu không được hỗ trợ, không chỉ tôi mà nhiều hộ chăn nuôi khác cũng sẽ khó khăn khi khôi phục sản xuất sau dịch bệnh", anh Hải nói.
Dịch bệnh khiến việc tiêu thụ khó khăn, giá nông sản giảm
Cần hỗ trợ kịp thời
Toàn tỉnh có gần 40 HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết ngắn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX đóng vai trò trung gian đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Đây cũng là đầu mối cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho thành viên, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác. Đại dịch Covid-19 cũng làm tăng chi phí sản xuất, trong đó chi phí chăn nuôi tăng nhiều nhất. Việc cung cấp vật tư đầu vào khó khăn, trong khi giá nông sản và sản lượng tiêu thụ lại giảm đã làm gián đoạn chuỗi liên kết này.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Lợi (Gia Lộc), người có nhiều năm xây dựng và thực hiện chuỗi liên kết HTX cho biết: "Việc đứt chuỗi liên kết do dịch bệnh chứng tỏ các chuỗi giá trị chưa có tính bền vững. Để hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi giá trị cần tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi với các rủi ro. Mặt khác, cần có cơ chế đầu tư tài chính cho HTX, thay vì phải dựa vào tài sản thế chấp như trước".
Hải Dương là tỉnh nông nghiệp có những vùng sản xuất rau màu quy mô lớn, chất lượng. Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các HTX nông nghiệp nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới để phát triển, nhất là lợi thế trong xuất khẩu nông sản. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội sau dịch bệnh để xuất khẩu nông sản, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để phát triển được chuỗi liên kết dài thì cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Xây dựng liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa HTX - doanh nghiệp. Các hộ nông dân cần chuyên nghiệp hơn để tạo quy mô sản xuất và có sự liên kết bền chặt với HTX.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các HTX và doanh nghiệp cần chủ động thay đổi sản xuất và kinh doanh để bảo đảm an toàn trong mọi tình huống. Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, bảo đảm lưu thông sản phẩm, tránh "đứt gẫy" chuỗi giá trị để hài hòa lợi ích giữa các bên khi xảy ra dịch bệnh.
TRẦN HIỀN