Sáng 20.9, Ban Quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông bắt đầu vận hành thử toàn hệ thống.
Đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông chạy thử qua đoạn hồ Hoàng Cầu
Thời gian vận hành thử liên động từ 3 -6 tháng với mục tiêu dự án đủ điều kiện để đưa vào vận hành thương mại trước tết Âm lịch 2019.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, trong thời gian vừa qua, các đơn vị tham gia thực hiện dự án đã tích cực triển khai thi công, đẩy nhanh tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải. Trong tháng Bảy vừa qua, công tác cấp điện cho dự án và xông điện cho toàn hệ thống đã hoàn thành.
Từ tháng tám, Tổng thầu đã tiến hành kiểm tra và thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị như kiểm tra hệ thống cấp điện, chạy thử từng đoàn tàu, kiểm tra hệ thống thông tin, tín hiệu… Đến nay, công tác thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào vận hành thử liên động toàn hệ thống.
“Vận hành thử liên động là hoạt động kiểm tra, chạy thử, căn chỉnh liên hoàn giữa các hệ thống thiết bị chuyên ngành như thông tin, tín hiệu, AFC, cung cấp điện... Việc vận hành thử liên động sẽ được thực hiện thử theo từng bước, từng nội dung, từng cấp độ theo yêu cầu thiết kế và kế hoạch vận hành thử,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.
Thời gian tới, hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ được vận hành thử ban đêm, chạy có tải trọng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Hơn nữa, theo đánh giá từ phía Ban Quản lý dự án đường sắt, hoạt động này nhằm xác định toàn bộ công trình đã đạt được các thông số kỹ thuật theo thiết kế đảm bảo hoạt động ổn định, tin cậy cũng như các điều kiện liên quan trước khi nghiệm thu toàn bộ công trình.
“Thời gian vận hành thử liên động từ 3 - 6 tháng (bắt đầu từ 20.9) với mục tiêu dự án đủ điều kiện để đưa vào vận hành thương mại trước tết Âm lịch,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt khẳng định.
Thời gian tới, hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ được vận hành thử ban đêm, chạy có tải trọng; vận hành nhà ga, công tác lập biểu đồ chạy tàu, vận hành các tiện ích phục vụ hành khách…
Hiện tại, đơn vị thi công đang triển khai lắp đặt máy bán vé, kiểm soát vé tự động; điều khiển vận hành thử hệ thống điều hòa, thông gió, chỉnh sửa hệ thống chiếu sáng, thanh cuốn, thang máy…
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đường sắt cũng kết hợp từng bước đưa lực lượng nhân sự của đơn vị quản lý khai thác, vận hành tham gia vận hành thử để đào tạo thực hành.
Dự án này sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651 có 201 người được đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam), còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến cuối năm 2018 mới khai thác thương mại.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.
Theo Vietnam+