11 giờ 30 trưa ngày 30-4-1975, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm lá cờ giải phóng lên dinh Độc Lập.
Những người lính đầu tiên tiếp quản và cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập
Phút giây đó “Toàn thắng về ta” như tên bài thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp - Bác Hồ ơi tin chiến thắng về ta - Chúng con đến xanh ngời ánh thép - Thành phố tên Người rực rỡ cờ hoa”. Giây phút thiêng liêng nhất, trọng đại nhất, xúc động nhất khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc toàn thắng, chúng ta lại nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ta đã đi qua một chặng đường kháng chiến từ vũ khí thô sơ đến tối tân, từ rừng núi xuống đồng bằng, từ đồng bằng về thành phố, từ hậu phương ra mặt trận. Nhà thơ Hữu Thỉnh khi viết trường ca nổi tiếng “Đường tới thành phố”, lần đầu ông đặt tên là “Hành trình trên dây thép gai”. Vâng, đó là hành trình của những giới hạn ngặt nghèo, của mỗi số phận con người, của cả dân tộc... Chúng ta đã đi từ một đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, 34 chiến sĩ chân đất, đầu trần để đến với cuộc dàn binh hợp đồng binh chủng trong cả nước: Với 5 cánh quân, 5 binh đoàn như 5 mũi tên lao vào thành phố để bay lên 5 cánh sao vàng trong ngày vui đại thắng, khi những con voi thép in dấu đất mọi miền húc đổ cổng dinh Độc Lập đánh dấu giây phút lịch sử.
Niềm vui toàn thắng được nhân lên bằng niềm vui thống nhất trọn vẹn, không còn chia cắt đất đai, không còn chia cắt lòng người. Thống nhất trong ý chí, tình cảm, trong hòa hợp dân tộc, trong non sông thu về một mối mà nhạc sĩ Võ Văn Dy đã cất lên khúc ca: “Biển trời quê ta/ Đẹp như gấm hoa/ Nước non một nhà/ Những con tàu ra Bắc vào Nam” trong “Bài ca thống nhất”. Có lẽ niềm vui lớn nhất là niềm vui thống nhất. Chiến công lớn nhất dành cho tất cả mọi người, cả hậu phương lớn mà: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn - Mừng thì mừng thương mẹ biết bao nhiêu” (Hữu Thỉnh). Hậu phương, những người mẹ đã dành những hạt gạo ngon nhất, những đứa con tinh túy nhất cho chiến trường. Đường đến Sài Gòn toàn thắng 30-4 chúng ta đã đi qua bao dấu mốc lịch sử: Từ những ngày Bến Tre Đồng khởi, đến chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Từ mùa hè đỏ lửa thành phố Quảng Trị 1971 đến mùa xuân rực rỡ cờ hoa 1975 trên thành phố mang tên Người. Từ Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 1954 đến “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội bắn rụng pháo đài B52. Cả nước đã chia lửa, có cả sức mạnh truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước…
40 năm sau trở lại Sài Gòn. Vòm trời mùa hạ vẫn xanh trong, những hàng cây cổ thụ đổ bóng mát xuống đường phố, râm ran tiếng ve úp mặt vào cây. Những người lính bấy giờ đã thành ông, thành bà. Họ đi lặng lẽ tay dắt theo những cháu nhỏ tung tăng với những quả bóng hồng trên tay như muốn nâng các em bay lên về phía tương lai. Những cựu chiến binh đó vẫn mang trên mình bộ quân phục màu xanh cỏ úa. Họ nhớ lại bữa cơm đầu tiên ở thành phố Sài Gòn giải phóng, vẫn nấu bằng bếp cơm dã chiến mà nhà thơ Hữu Thỉnh có một tứ thơ khá độc đáo: “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” có: “Rau muống xanh như hái tự ao nhà” và: “Vừa mới vào mâm anh nuôi bận/ Chia thêm Tổng thống nguỵ đầu hàng”. Đêm đầu tiên ngủ vẫn mắc cánh võng Trường Sơn, đầu gối lên ba lô, súng vẫn quàng ngang ngực, thảng thốt giật mình ngỡ còn nghe tiếng “tắc kè” điểm nhịp chẵn, lẻ nắng mưa. Và làm sao quên được hình ảnh người bạn đồng đội của mình trước giờ toàn thắng đã ngã xuống ở đầu cầu Sài Gòn khi cách hòa bình chỉ còn gang tấc. Sự sống và cái chết, hoà bình và chiến tranh, vô danh và mãi mãi. Họ, những người lính làm nên chiến thắng hôm nay lẫn vào bao dòng người trong dòng chảy của cuộc sống đời thường. Chiến tranh đã lùi xa, chiến tranh ngỡ như chưa có bao giờ. Trong ngày vui đại thắng hôm nay chúng ta đã sống lại với không khí hào hùng lịch sử bằng những khối đội hình, đội quân, duyệt binh, diễu binh với bao vũ khí hiện đại trên những con đường cách đây 40 năm các cánh quân với bước chân thần tốc: “Chặt Buôn Mê Thuột rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên đổ nhào Đà Nẵng…” (Toàn thắng về ta - Tố Hữu). Trong bước chân rầm rập ca vang hôm nay chúng ta như thấy cả, như nghe được những bước chân nằm lại dọc chiến trường, dọc con đường vào giải phóng Sài Gòn. Ta vẫn còn nghe trong rì rầm tiếng đất, tiếng những bàn chân không bao giờ khuất, cho hôm nay và cho mai sau...
NGUYỄN NGỌC PHÚ