Đường dây nóng vẫn “lạnh”

08/06/2017 07:03

Thiết lập đường dây nóng (ĐDN) để tiếp nhận thông tin phản hồi, góp ý từ người dân đối với tinh thần phục vụ của cơ quan nhà nước.



Một số sở, ban, ngành chưa công khai số điện thoại đường dây nóng trên trang thông tin điện tử của đơn vị

Tuy nhiên, sau 1 năm công khai, nhiều ĐDN vẫn "nguội lạnh" trong khi chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh lại giảm.

4 tháng 1 cuộc gọi

ĐDN của Thanh tra tỉnh được thiết lập và công khai rộng rãi tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15 về công khai, minh bạch thủ tục hành chính (TTHC), chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Tháng 2.2017, ĐDN của Thanh tra tỉnh có sự thay đổi. Sự thay đổi này cũng được thông báo rộng rãi. Từ đó đến nay, ĐDN mới nhận được duy nhất 1 cuộc gọi phản ánh tình trạng vi phạm trong quản lý đất đai tại một địa phương. Phản ánh của công dân trên đã được Thanh tra tỉnh thông báo cho các ngành chức năng của huyện, xã bị phản ánh để họ xem xét.

ĐDN của Sở Nội vụ cũng chỉ "nóng" khi có những sự kiện lớn như bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; thi tuyển công chức, viên chức các ngành, thi tuyển công chức cấp xã... Các cuộc gọi tới hầu hết là của những người có nhiệm vụ liên quan, hỏi về cuộc bầu cử, thi tuyển.

ĐDN của Sở Kế hoạch và Đầu tư được thiết lập đã lâu nhưng cũng chỉ tiếp nhận được các cuộc gọi hỏi về thủ tục đăng ký kinh doanh, thay đổi ngành nghề kinh doanh... "Chúng tôi rất mong nhận được các cuộc gọi phản ánh về tinh thần, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ của ngành để biết nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế nhưng không hề có", ông Lương Đình Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Tháng 3.2017, Tổ công tác nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đã công khai số điện thoại ĐDN, địa chỉ email của các thành viên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, sau 4 tháng hoạt động, chỉ có 1-2 thành viên tổ công tác nhận được một số cuộc gọi hỏi về các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; thủ tục hải quan, thuế, đất đai, tần suất kiểm tra của cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy... Có những thành viên tổ công tác không nhận được cuộc gọi nào của tổ chức, công dân.

Chưa đến được với người dân

Việc người dân không gọi đến các ĐDN không đồng nghĩa với việc họ đã hài lòng với chất lượng phục vụ của bộ máy công quyền, đội ngũ thực thi công vụ. Có nhiều nguyên nhân, có thể một bộ phận người dân ngại phản ánh, vì cho rằng rắc rối, tốn thời gian, sợ phật lòng… "Thực tế cho thấy có một số cán bộ gây khó khăn, sách nhiễu cho người dân khi đến giải quyết các TTHC nhưng tôi chưa thấy tỉnh công bố xem có cán bộ nào bị xử lý, kỷ luật. Vì vậy, chúng tôi không biết khi phản ánh những vấn đề này đến ĐDN của các sở, ban, ngành, địa phương thì có được tiếp nhận và xử lý hay không", ông Nguyễn Văn Q. (khu 15, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) nghi ngại.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết một trong những nguyên nhân khiến ĐDN của các sở, ban, ngành, địa phương… chưa được người dân quan tâm vì phần lớn những số điện thoại này mới chỉ được công khai trên các cổng thông tin điện tử chứ không được niêm yết rộng rãi tại nhà văn hóa của các thôn, khu dân cư; không được phổ biến trong các cuộc họp dân. Tại bộ phận "một cửa" của các địa phương cũng chỉ niêm yết số điện thoại ĐDN của chính địa phương mình chứ không niêm yết số điện thoại ĐDN của Văn phòng UBND tỉnh, các thành viên Tổ công tác PCI của tỉnh hoặc các sở, ngành liên quan trực tiếp đến người dân nên nhiều người không nắm được. Nhiều người dân cũng bày tỏ việc niêm yết ĐDN tại bộ phận “một cửa” của các cơ quan, đơn vị, địa phương không trực quan, chữ nhỏ khó quan sát, nhất là với người cao tuổi.

Năm 2016, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh ta tụt 8 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tụt 3 bậc so với năm 2015. Việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương công khai các ĐDN để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, công dân là một trong những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao các chỉ số trên. Để biện pháp này đạt được hiệu quả như mong muốn, các sở, ban, ngành, địa phương cần thông báo số điện thoại ĐDN rộng rãi hơn nữa. Có hình thức thông báo những vấn đề tiếp nhận được qua ĐDN, kiên quyết xử lý và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, sách nhiễu cho tổ chức, công dân khi giải quyết các TTHC, từ đó, tạo niềm tin cho tổ chức, công dân.

PV

Tháng 6.2016, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về công khai, minh bạch TTHC, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Sau đó, đã có 38 sở, ban, ngành, địa phương công khai đường dây nóng, địa chỉ email và số điện thoại di động của người có trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc giải đáp những thắc mắc của người dân và doanh nghiệp đến những vấn đề liên quan do đơn vị đó quản lý trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.


(0) Bình luận
Đường dây nóng vẫn “lạnh”