Đừng vội tái đàn

29/09/2019 15:51

Bà Tấm đang chuyện trò rôm rả với hai đứa cháu thì nghe ông Tính gắt lên:

- Mấy bà cháu bà trật tự để tôi nghe thời sự xem nào. Ti vi đưa tin trong tỉnh có mấy xã bị tái phát dịch tả lợn châu Phi đây này.

- Thế hả ông, tái phát ở những xã nào, huyện nào, huyện mình có bị không?- bà Tấm hỏi dồn dập.

- Ở huyện Bình Giang, Kinh Môn và Nam Sách.

- Ôi may quá, không có huyện mình - bà Tấm thở phào.

- Bà đừng có vội mừng, nay không bị không có nghĩa là mai, ngày kia sẽ thoát. Tôi đã bảo bà rồi, từ từ hẵng nuôi lợn trở lại.

- Năm nay dịch dã thế, đàn lợn không còn nhiều. Dạo này dịch có vẻ yên yên nên tôi mới muốn nuôi. Những nhà khác họ cũng nuôi lại rồi, mình mà còn chần chừ thì Tết lấy gì mà bán. Với cả tôi nghe ti vi nói thì cũng đâu có cấm tái đàn.

- Người ta khuyến cáo tái đàn nếu chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học cơ. Nhà mình thì đã biết chăn nuôi sinh học là thế nào đâu.

Hai ông bà còn đang tranh luận thì mấy anh chị cán bộ xã vào chơi. Sau một hồi trò chuyện, biết vợ chồng ông Tính đang bàn về chuyện tái đàn lợn, anh Hinh cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp xã bảo:

- Các bác không nên vội nuôi lợn trở lại. Xã mình từng có dịch, tuy bây giờ dịch có vẻ lắng xuống nhưng nguy cơ tái phát vẫn rất cao. Dịch này rất nguy hiểm, lại chưa có vaccine phòng ngừa.

Thời điểm này tốt nhất là nên chuyển sang nuôi gà, nuôi vịt hay trâu, bò... vừa có thực phẩm thay thế, vừa không lo dịch tả lợn châu Phi.

- Đúng đấy bác, mấy nhà ở xã mình vừa nuôi lợn trở lại đều phải ký cam kết sẽ thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tự chịu trách nhiệm nếu dịch tái phát đấy - chị Phượng cán bộ Hội Nông dân xã nói.

- Tự chịu trách nhiệm là sao, liệu có phải là sẽ không được đền bù nếu bị dịch không?- ông Tính hỏi.

- Đúng rồi bác ạ. Riêng đợt dịch vừa rồi Nhà nước phải hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu hủy ở xã mình hơn 20 tỷ đấy. Giờ dịch vẫn dễ tái phát mà các hộ đã vội nuôi, nếu không may bị dịch thì chả phải tự làm khổ mình, khổ lây cả sang người khác à? Không thể trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mãi được.

- Các hộ phải tự bảo đảm an toàn cho khu chăn nuôi nhà mình, thực hiện thật nghiêm quy trình chăn nuôi sinh học. Lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch. Tốt nhất nên nuôi ít trước, sau đó nếu thấy ổn định thì mới tăng tiếp quy mô.

- Thôi, nhà tôi cứ nghe các anh chị đã, chứ bây giờ mang lợn về nuôi, nhỡ bị dịch lại chả được hỗ trợ thì chết.

Cũng may bà nhà tôi mới đang có ý định, còn chưa kịp mua lợn giống về. Hôm nào trên xã có lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, các anh nhớ báo cho nhà tôi tham gia nhé. Phải tìm hiểu kỹ trước rồi mới áp dụng được chứ giờ chúng tôi còn lơ mơ lắm.

Nghe ông Tính nói, mấy anh chị cán bộ xã nhất trí ngay. Họ chào vợ chồng ông Tính để còn sang các hộ khác vận động, tuyên truyền.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng vội tái đàn