Đừng quay lưng với thịt lợn

14/03/2019 14:22

Các địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ bệnh này không gây hại cho sức khỏe con người, từ đó không quay lưng với thịt lợn.


Sau khi được tuyên truyền hiểu rõ, nhiều người dân đã quay lại mua thịt lợn

Sau khi cơ quan chức năng công bố nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu phi (DTLCP), không ít người tiêu dùng đã bỏ thịt lợn ra khỏi thực đơn bữa ăn hằng ngày. Thế nhưng sau khi được tuyên truyền, hiểu rõ, nhiều người đã tiếp tục mua thịt lợn về dùng.

Người mua thịt lợn tăng trở lại

Thịt lợn đã trở thành thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày của gia đình chị Vũ Thị Thắm ở phố Đức Minh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương). Vài ngày trước nghe thông tin bệnh DTLCP lan rộng, một số người khuyên không nên dùng thịt lợn nữa nên chị Thắm đã bỏ món này ra khỏi thực đơn vài hôm. "Ban đầu tôi cũng sợ  dịch này có thể lây sang người nhưng sau khi được nghe đại diện Bộ Y tế, rồi Cục Thú y phát biểu trên truyền hình khẳng định dịch này không lây sang người nên mấy hôm nay tôi lại tiếp tục mua thịt lợn về dùng".

Những ngày vừa qua, sau khi cơ quan chức năng của tỉnh thông báo DTLCP đã xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh, không ít người tiêu dùng đã băn khoăn, lo lắng và tẩy chay thịt lợn. Song nhờ được tuyên truyền kịp thời, người dân đã dần hiểu rõ hơn về dịch này và yên tâm sử dụng thịt lợn. Chị Nguyễn Thị Tâm, tiểu thương chuyên bán thịt lợn ở chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) cho biết: "Những ngày trước, lượng người mua thịt lợn giảm mạnh. Có ngày, tôi chỉ bán được vài cân. Nhưng những ngày gần đây, lượng người mua thịt lợn đã tăng trở lại".

Mặc dù vậy, theo chị Tâm, lượng người mua vẫn chưa được như trước đây vì họ vẫn nghi ngại về dịch này. Chị Tâm đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và không quay lưng với thịt lợn.

Yên tâm sử dụng

Đến đầu giờ sáng 14.3, bệnh DTLCP đã xuất hiện ở 14 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh. Cơ quan chức năng đã tiêu huỷ hơn 800 con lợn nhiễm bệnh với tổng khối lượng thịt hơn 45,2 tấn. Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP Hải Dương, gần 1 tuần nay, lượng lợn đưa vào giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của thành phố  giảm khoảng 30% so với trước khi xuất hiện DTLCP. 

Tại cơ sở này, cán bộ thú y trực 24/24h, kiểm soát việc giết mổ từ khi chuyển lợn sống về nhốt tại cơ sở đến khi vận chuyển lợn thành phẩm ra bán cho người tiêu dùng. "Toàn bộ số lợn được đưa vào giết mổ tại cơ sở được kiểm soát chặt chẽ. Các tiểu thương chỉ được đưa lợn vào mổ khi xe chở còn nguyên kẹp chì. Trước khi vào mổ, cán bộ thú y thành phố còn kiểm tra, đánh giá lại một lần nữa. Việc kiểm tra chặt chẽ không chỉ để đề phòng bệnh DTLCP lây lan mà còn kiểm soát được cả các dịch bệnh khác, bảo đảm để người dân được sử dụng thịt lợn an toàn, sạch bệnh", bà Vũ Thị Chinh, đại diện Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm TP Hải Dương khẳng định.
Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản mắc bệnh đều phải tiêu huỷ. Tuy nhiên, để tránh mua phải những sản phẩm trôi nổi trên thị trường, người dân nên lựa chọn các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt phải nấu chín kỹ trước khi dùng. "Vi rút ASFV gây bệnh DTLCP chịu nhiệt kém và chỉ tồn tại được 2 phút trong môi trường có nhiệt độ từ 90-100 độ C", ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết.

Cũng theo ông Đức, để lựa chọn thịt lợn ngon, sạch người dân nên dựa vào màu sắc của thịt. Loại thịt tươi sẽ có lớp màng khô, màu đỏ tươi, mặt cắt miếng thịt có màu hồng sáng, da trắng phớt hồng, mềm mại. Phần mỡ chắc, sáng bóng. Phần khớp xương láng, trong, tuỷ sương bám chặt vào thành ống. Đặc biệt, khi thấy miếng thịt có màu xanh nhạt hay thâm đen, da lợn màu đỏ thì người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua vì đó là thịt lợn nhiễm bệnh.

Bệnh DTLCP đang diễn biến phức tạp và lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều hộ chăn nuôi đã phải tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Nhưng cũng có không ít hộ gặp khó khăn vì dù lợn khỏe, không bị bệnh DTLCP nhưng không bán được do người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn. Một số nơi tiểu thương đổ lỗi do dịch này để ép người chăn nuôi bán lợn khỏe với giá rẻ. Vì vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống bệnh DTLCP, các địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ bệnh này không gây hại cho sức khỏe con người, từ đó không quay lưng với thịt lợn.

QUYẾT ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng quay lưng với thịt lợn