Đừng nuông chiều trẻ sau khi bố mẹ ly hôn

15/06/2015 17:39

Vợ chồng anh H. chị M. ly hôn khi đã có với nhau 1 con trai. Cháu B. mới 6 tuổi nên tòa phán quyết cháu sống với mẹ.


Luôn mang cảm giác con mình là đứa trẻ thiệt thòi nên chị M. chiều con hết cỡ để “bù đắp”. Thu nhập của một nhà giáo như chị M. không cao, nhưng hầu như B. muốn gì được nấy. Quần áo của cháu - đến trường cũng như về nhà - luôn “nổi” nhất trong đám bạn cùng lứa. Chị còn mua cho con không biết bao nhiêu đồ chơi xịn, tủ lạnh luôn chất đầy các thức ăn bổ béo đắt tiền trữ sẵn cho con trai. Chưa hết, đến bữa ăn chị lại nai lưng phục vụ con. Hơn 9 tuổi mà bé B. không hề có chút ý thức tự lập hoặc giúp mẹ bất cứ chuyện gì. Chuyện có thể tự làm bé cũng cứ ngồi yên, “sai” mẹ, rất chướng! Đã vậy, mỗi lần về bên ông bà nội ngoại, cũng lại một kiểu chiều chuộng giống hệt (vì ai cũng nghĩ nó thiếu bố, tội nghiệp) khiến B. càng sinh hư. Đến trường thì B. “chảnh” với chúng bạn (vì mình có giày mũ, đồ chơi xịn). Về nhà, từ ăn uống tới vật dụng sinh hoạt, B. đều “kén cá chọn canh”: Muốn gì là “chổng mông chổng gọng” mà đòi. Mẹ chịu hết nổi mà quát là B. lại dở “ngón võ” lăn đùng ra mếu máo: "Con nhớ bố. Con muốn bố…".  B. thừa biết kêu vậy thể nào chị M. cũng thút thít ôm lấy B. ngay…

Anh Y. chị T. ly hôn khi con cái đều đã lớn, còn mỗi cháu L. là con út đang học lớp 10 ở với mẹ. L. là đứa trẻ cá tính, ương bướng. Ngày còn sống với bố, L. sợ bố nên cư xử, sinh hoạt còn có chừng mực. Giờ không bố lại được mẹ cưng chiều, mới lớp 10, nhà cũng không khá giả nhưng L. đã được mẹ sắm sanh cho từ quần áo, điện thoại xịn đến xe đạp điện đắt tiền. Chị T. còn cho L. tiền, cho giao du với bạn bè khá thoải mái để “bù trừ” cho giai đoạn chịu sự quản lý nghiêm khắc của bố. Mỗi khi L. phạm lỗi, chị T. không bao giờ dám xử trí cương quyết bởi “sợ nó sốc, nó buồn”. Được nước, L. cư xử với mẹ ngày càng ngỗ ngược; lại còn thêm chứng đua đòi ăn chơi, bỏ học. Tụ tập cùng đám bạn hư, L. uống rượu say rồi lên xe máy chở 3 lạng lách, đánh võng ngoài đường. Bị công an túm về đồn, phạt tiền, tịch thu xe, báo nhà trường xếp loại đạo đức yếu chị T. mới đâm hoảng. May mà rồi chị cũng tỉnh ra, có một quyết định cứng rắn: dọa sẽ đưa L. về cho bố quản nếu cháu không chịu thay đổi…

Ly hôn là chuyện đau lòng, ai cũng biết. Chắc chắn là không ai muốn. Nhưng duyên nợ không còn thì cũng đành vậy thôi. Hệ lụy sau ly hôn thì muôn vàn. Hầu như ai trong cuộc cũng bị tổn thương. Nhưng nạn nhân gánh chịu nhiều tổn thương nhất lại chính là con cái. Đó chính là hiệu ứng “cú sốc” - diễn ra khi cái tổ ấm gia đình đột ngột bị phá tung mà con cái lại như những chú chim non chưa đủ trưởng thành. Biết vậy, nên hầu như mọi người từ trong gia đình (cha mẹ, ông bà…) đến ngoài xã hội (thầy, cô giáo…) thảy đều có thái độ nương nhẹ, “chiếu cố” khi hành xử với trẻ sau khi bố mẹ ly hôn. Chuyện “nương nhẹ” này không sai khi nó dừng ở mức độ vừa phải, và nhất là trong giai đoạn “vết thương” còn mới, có thể làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng do bố mẹ ly hôn. Nhưng nếu cứ giữ cách đối xử nương nhẹ, “chiếu cố” kéo dài thì không nên?

Trẻ sau khi bố mẹ ly hôn đồng ý là có thiệt thòi, nhưng không phải hễ cứ bố mẹ xa nhau là các em thành “người khuyết tật”. Không hiểu điều đó, cứ “chiếu cố” các em bằng kiểu cư xử ngoại lệ thì lâu dần nguy cơ các em bị “ám thị” trở thành “người khuyết tật” thật sự là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

VĂN NGUYỄN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng nuông chiều trẻ sau khi bố mẹ ly hôn