Vợ mất vì tai nạn giao thông, ông Thành định đi bước nữa với một người phụ nữ ở làng bên. Nhưng bị các con của ông kịch liệt phản đối. Từ đố, ông Thành sống khép mình, ít giao tiếp với xóm làng hơn.

Đã từ lâu, cứ buổi chiều người ta lại thấy ông Thành lầm lũi ra mộ vợ. Mỗi lần như thế, ông ngồi cả tiếng đồng hồ, thì thầm nói chuyện với người âm. Vợ ông mất vì tai nạn giao thông, ông không đi bước nữa mà ở vậy nuôi hai đứa con. Những khó khăn cứ trôi dần theo năm tháng, con ông giờ đứa bác sĩ, đứa trưởng phòng kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu. Chúng có gia đình và đều sống trên Hà Nội. Mừng với sự trưởng thành của con, song nỗi trống trải cứ tăng dần trong ông. Họ hàng, bà con lối xóm thương tình, khuyên ông tìm một đám nào đó rồi lấy người ta về. Cảnh già cần có nhau lúc trái gió trở trời, vả lại “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Những lời khuyên đó cũng là suy nghĩ mà bấy lâu ông Thành trăn trở. Ông cũng đã nhắm được một nơi, người phụ nữ đó ở làng bên. Hai người quen nhau trong một phiên chợ, họ có cùng cảnh ngộ. Nhiều lần ông Thành muốn nói với các con về ý định của mình, mong chúng hiểu và chấp nhận, song vẫn chưa có dịp.
Hôm đó là chủ nhật, cũng là ngày giỗ vợ, các con về đông đủ, ông Thành quyết định làm mấy mâm cơm, mời họ mạc đến dự, cũng là để một công đôi việc. Bữa cơm đã xong, ông đứng lên thắp hương cho người đã khuất, rồi trình bày ý định muốn lấy vợ trước cả nhà. Chẳng ngờ, vừa dứt lời, cô con gái đã kịch liệt phản đối. Con ông bảo: "Bố già rồi, đừng cưa sừng làm nghé" cho thiên hạ đàm tiếu, các con xấu hổ. Hơn nữa, lấy người trẻ tuổi lại phải sinh con đẻ cái, rước người đứng tuổi về, mai này các con thêm gánh nặng lúc người ta yếu đau, ma chay lúc chết. Bố đã khổ một đời rồi, đừng rước những của nợ ấy về cho mệt". Tiếp đến anh con trai đứng lên lễ phép: "Kính thưa các bác, các chú, thưa bố. Anh em chúng con được như ngày hôm nay đều là công lao vất vả và sự hy sinh của bố. Anh em chúng con giờ đều đã trưởng thành, có điều kiện phụng dưỡng bố chu đáo. Bố muốn ở quê hay lên ở với con cháu, hoặc bố muốn đi du lịch chúng con đều sẵn lòng. Còn việc bố muốn lấy người khác về chung sống, con tuyệt đối không đồng ý. Không ai thay thế được mẹ con. Một đời bố vất vả hy sinh vì các con, không lẽ lúc tuổi già bố lại làm chúng con thất vọng. Con mong các bác, các chú động viên bố giúp chúng con". Thấy hai con ông phản đối kịch liệt, những người có mặt chẳng ai lên tiếng góp ý, còn ông Thành lặng lẽ bước vào phòng. Nỗi buồn cứ trào lên trong ông. Ông cũng biết các con thương ông và không quên được mẹ nó, nhưng chúng đâu hiểu nỗi trống trải trong ông bấy lâu. Chưa dừng ở đó, con gái ông Thành còn tìm đến nhà người phụ nữ kia. Chẳng biết nó nói những gì mà khi ông sang thăm, bà ấy bảo: "Tôi rất thương ông, cảnh già cũng muốn nương tựa lẫn nhau chứ đâu phải vì ham hố tiền bạc hay thứ khác. Con ông không đồng ý, mình cũng đành cam chịu, hy sinh nốt phần đời còn lại vì con. Tuổi già dễ bị tổn thương lắm ông ạ, nhất là phải nghe những lời xúc phạm!". Sau lần đó bà lánh mặt, không gặp ông nữa. Cũng từ đó ông Thành sống khép mình, ít giao tiếp với xóm làng hơn.
Chiều nay, ông Thành lại một mình lầm lũi ra nghĩa trang. Ông gầy đi nhiều, khuôn mặt hốc hác và u sầu. Mỗi bước đi như xiêu vẹo, khuất dần vào bóng chiều heo hút, bỏ lại đằng sau những cái nhìn đầy thương cảm.
VĂN HÀ