Dừng hoạt động các nhà máy gây ô nhiễm môi trường: Bài học cho doanh nghiệp

09/07/2017 08:13

Bị buộc dừng sản xuất để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) là bài học đắt giá cho doanh nghiệp...



Công ty Xi măng Phúc Sơn bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng do phải dừng sản xuất

Biện pháp mạnh

Những năm qua, tình trạng doanh nghiệp cố tình phớt lờ quy định của Nhà nước trong lĩnh vực BVMT diễn ra khá phổ biến. Một số doanh nghiệp bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Đóng cửa nhà máy được coi là biện pháp mạnh để doanh nghiệp vi phạm chấp hành tốt hơn quy định của Nhà nước.

Ngày 3.2.2017, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ra quyết định xử phạt 360 triệu đồng, yêu cầu Công ty Xi măng Phúc Sơn dừng hoạt động 3 tháng do vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT. Lý do là trong quá trình hoạt động, Công ty Xi măng Phúc Sơn chưa xây lắp hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống tách dầu để xử lý nước vệ sinh công nghiệp, chưa có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu về hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường, chưa có biện pháp xử lý khí thải gây ô nhiễm...

Trước đó, cuối tháng 12.2016, cơ quan chức năng nhận được phản ánh của người dân xã Lai Vu (Kim Thành) về tình trạng ô nhiễm tại mương thoát nước trong khu công nghiệp Lai Vu. Chi cục BVMT Hải Dương phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã tiến hành khảo sát, rà soát nguyên nhân và lấy mẫu phân tích chất lượng nước xả thải. Kết quả phân tích mẫu nước xả thải ngày 24.12.2016 cho thấy một số thông số vượt quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân do việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal. Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Ngày 27.1.2017, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal 672 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal còn bị cơ quan chức năng buộc phải dừng sản xuất để khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Gần đây nhất, UBND huyện Bình Giang đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Xuất nhập khẩu Lâm Phúc ở cụm công nghiệp Tân Hồng dừng cung cấp điện, yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với xưởng tái chế nhựa mà doanh nghiệp này cho ông Nguyễn Văn Tuấn thuê lại. Nguyên nhân là cơ sở tái chế nhựa của ông Tuấn hoạt động khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình sản xuất, cơ sở này thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Khí thải có mùi khó chịu phát sinh trong quá trình tái chế nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân địa phương.

Trả giá đắt

Dừng hoạt động là cái giá phải trả cho việc không chấp hành các quy định trong lĩnh vực BVMT. Thiệt hại về kinh tế do dừng sản xuất là rất rõ ràng. Tuy nhiên, thiệt hại lớn hơn cả là doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường và mất uy tín đối với khách hàng.

Ông Trần Văn Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Phúc Sơn cho biết từ khi dừng sản xuất, mỗi tháng công ty thiệt hại hàng chục tỷ đồng do mất đơn hàng mà vẫn phải trả lương cho gần 1.200 công nhân.

Một cán bộ của Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal thừa nhận, từ khi xảy ra sự cố về môi trường dẫn đến dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải hủy nhiều đơn hàng đã ký với đối tác. Tuy nhiên, cái giá lớn nhất mà công ty phải trả là uy tín đã bị suy giảm, nhất là với những đối tác đến từ Nhật Bản và châu Âu. Niềm tin của người dân địa phương đối với cam kết BVMT của công ty cũng bị suy giảm sau sự cố vừa qua. 

Ông Trần Văn Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Phúc Sơn thừa nhận sự cố phải đóng cửa là "dấu mốc" đặc biệt để doanh nghiệp nhận ra và chấp hành tốt các quy định trong lĩnh vực BVMT. Nếu doanh nghiệp chú trọng công tác này, người lao động sẽ yên tâm làm việc, môi trường sống chung quanh nhà máy được bảo đảm, uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng được củng cố. Thời gian tới công ty sẽ chú trọng hơn đến các hoạt động khác như khai thác, vận chuyển nguyên vật liệu... bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Lê Văn Bí, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, qua sự việc một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ô nhiễm môi trường thời gian qua có thể thấy doanh nghiệp cần lấy chữ tín làm phương châm hoạt động để hướng tới sự phát triển bền vững. Doanh nghiệp phải luôn có ý thức tôn trọng pháp luật, coi BVMT là ưu tiên hàng đầu nhằm tránh mất uy tín đối với khách hàng và niềm tin với người dân địa phương. Cơ quan chuyên môn cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu ô nhiễm môi trường để có biện pháp xử lý quyết liệt, duy trì kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực BVMT.

  LÃ VỌNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dừng hoạt động các nhà máy gây ô nhiễm môi trường: Bài học cho doanh nghiệp