Ở TP Hải Dương vừa có một đám tang toàn vòng hoa trắng. Người xấu số là cô gái 27 tuổi, nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra vào ngày 20.11 tại Hà Nội.
Người phụ nữ lái xe gây tai nạn khai rằng do đi giày cao gót, lại mất bình tĩnh nên đã đạp nhầm chân ga làm ô tô tăng tốc, đâm thẳng vào các phương tiện phía trước khiến 1 người chết, 3 người bị thương.
Đây không phải lần đầu tiên giày cao gót bị coi là thủ phạm trong những vụ tai nạn giao thông do nữ lái xe gây ra, đến nỗi trên mạng xã hội và báo chí đã đặt ra ý kiến có nên cấm phụ nữ đi giày cao gót khi lái xe. Giày cao gót có thực sự là nguyên nhân và khi cấm phụ nữ đi giày cao gót khi lái xe thì các tai nạn tương tự sẽ không còn nữa?
Việc nhầm lẫn giữa chân phanh với chân ga dẫn đến xe tăng tốc bất ngờ thường xảy ra trong trường hợp người lái xe mất tập trung, hoảng hốt nên thao tác nhầm. Việc đi giày cao gót thường chỉ khiến cho việc nhấn chân phanh hoặc ga khó khăn hơn chứ không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra sự nhầm lẫn.
Nếu mất tập trung, không bình tĩnh thì dù có đi giày dép nào đi chăng nữa, người điều khiển xe vẫn có nguy cơ gây ra tai nạn. Đã có nhiều vụ tai nạn do lái xe nam giới đạp nhầm chân ga chứ không riêng gì phụ nữ đi giày cao gót.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra, chúng ta cần xác định đúng nguyên nhân gây tai nạn là do ý thức, kỹ năng lái xe hạn chế chứ không nên đổ lỗi cho đôi giày cao gót vô tri vô giác.
Việc xác định thủ phạm là đôi giày có thể khiến người ta quên đi cái cần quan tâm thực sự là ý thức, trách nhiệm của người lái xe khi ngồi trước vô lăng.
Trong một số trường hợp, người gây tai nạn vin vào đôi giày như một cái cớ để giảm nhẹ lỗi của mình, như trong vụ người phụ nữ lái xe BMV ở TP Hồ Chí Minh gây tai nạn làm 1 người chết, 7 người bị thương xảy ra vào tháng 10.2018. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, cơ quan công an đã đo nồng độ cồn lái xe, kết quả cho thấy nồng độ cồn vượt quá cao so với quy định nhưng sau đó, luật sư của người phụ nữ này lại cho rằng thân chủ gây tai nạn do vướng quai giày vào chân ga khiến bà quýnh quáng đạp nhầm.
Chỉ khi nào những người lái xe gây tai nạn thực sự nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của bản thân thì mới có thể lái xe an toàn, còn với tâm lý đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan thì họ không thể rút kinh nghiệm hữu ích trong thực tế.
Thay vì ra quy định cấm phụ nữ đi giày cao gót khi lái xe, cơ quan công an nên siết chặt việc xử phạt những hành vi gây mất tập trung cho người lái xe là việc sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử khác...
Bản thân mỗi lái xe cần nâng cao ý thức về việc bảo đảm tình trạng tỉnh táo, tập trung khi lái xe, không ăn uống, sử dụng điện thoại, không lái xe trong tình trạng căng thẳng, buồn ngủ, say rượu bia hoặc khi đang sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh được khuyến cáo không nên điều khiển máy móc, tàu xe…
THÁI HÒA