Các bậc phụ huynh hút thuốc lá cần sớm từ bỏ hoặc có các biện pháp để hạn chế tối đa ảnh hưởng của khói thuốc tới con em mình.
Vì sức khỏe của cháu nhỏ, ông Vũ Đào Hiệp ở xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) quyết tâm bỏ hẳn thuốc lá
Tăng nguy cơ bệnh tật
Các y, bác sĩ ở Khoa Nội 1 (Bệnh viện Phổi tỉnh) vẫn nhớ cách đây hơn 1 năm, cháu Đ.Q.Th. (sinh năm 2004) ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) vào cấp cứu với các cơn khó thở dồn dập vì lên cơn hen suyễn.
Sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe của cháu Th. mới dần ổn định. Cháu Th. mắc bệnh hen suyễn từ nhỏ, đã được điều trị ngoại trú một thời gian. Nhưng điều đáng nói là anh Đ.V.Q.- bố cháu Th. lại nghiện thuốc lá, thuốc lào.
Nhà anh Q. thường xuyên có người đến chơi, không ít người vô tư hút thuốc trong nhà. Theo đánh giá của các bác sĩ, việc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào chính là một trong nhiều nguyên nhân làm cháu Th. xuất hiện các cơn hen dồn dập và phải nhập viện cấp cứu. Nhưng đáng buồn là sau khi cháu Th. được xuất viện, anh Q. vẫn chưa từ bỏ hút thuốc, dù biết rõ khói thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến vợ con.
Chị N.T.H. ở phố Quang Trung (TP Hải Dương) thường nhờ ông ngoại đưa đón cháu đi học và trông cháu cho đến khi chị hết giờ làm việc mới đón về. Bố chị H. nghiện thuốc lá đã lâu nên có lúc còn hút thuốc trước mặt cháu nhỏ.
Nhiều lần chị H. khuyên bố bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và những người xung quanh, nhất là với sức khỏe của cháu. Chị đã từng đưa bố đi bệnh viện, nhờ các bác sĩ tư vấn, đưa ra lời khuyên cùng với những cảnh báo về hệ lụy của hút thuốc lá với sức khỏe nhưng bố chị vẫn không bỏ thuốc lá.
Thường xuyên hít phải khói thuốc nên con của chị H. rất hay mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, nhiều lần phải nhập viện. Gia đình chị H. đã phải trang bị một máy thở khí dung ngay tại nhà để hỗ trợ điều trị cho con.
Từ bỏ càng sớm càng tốt
Bác sĩ Phạm Thị Hồng Thanh, Trưởng Khoa Nội 1 (Bệnh viện Phổi tỉnh) cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 50% số trẻ em trên thế giới bị hít khói thuốc lá thụ động.
Khói thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ, tác động lớn nhất trong khoảng 5 năm đầu đời, khi thời gian của trẻ hầu hết là ở bên ông bà, cha mẹ. Trẻ em sống chung với người hút thuốc sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cao hơn so với thông thường. Trẻ sẽ dễ bị viêm phế quản, viêm phổi...
Mỗi một giai đoạn phát triển của trẻ thì khói thuốc có thể có các mức độ ảnh hưởng khác nhau. Nếu ở giai đoạn lớn hơn một chút, trẻ bắt đầu hình thành nhận thức và có thể bị ảnh hưởng vì hành vi hút thuốc lá, thuốc lào của những người thân trong gia đình.
Sau này, khi lớn lên, trẻ cũng dễ có nguy cơ tiếp cận với thuốc lá từ sớm và không loại trừ khả năng nghiện thuốc như người ông, người bố. Do đó, người lớn phải thực sự làm gương cho trẻ. Hãy nghĩ đến sức khỏe của con cháu để làm động lực từ bỏ thuốc lá.
Ông Vũ Đào Hiệp (64 tuổi) ở xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) đã nghiện thuốc hàng chục năm. Nhưng đến khi gia đình có cháu nhỏ, ông đã quyết tâm và từ bỏ hẳn thuốc lá. Sức khỏe của ông đã tốt hơn trước, số lần nhập viện điều trị cũng giảm dần.
"Ai cũng biết hút thuốc hại sức khỏe, nhưng đừng vì thói quen của bản thân mà lại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con cháu, hoặc làm gương xấu cho con cháu sau này", ông Hiệp nói.
Theo bác sĩ Thanh, việc bỏ thuốc không hề đơn giản nhưng các bậc phụ huynh cần thay đổi thói quen xấu này, nhất là khi trong gia đình có trẻ nhỏ. Nếu chưa thể từ bỏ ngay, phụ huynh cũng không nên hút thuốc trong phòng, trong nhà mà nên ra ngoài sân, ban công, sân thượng để hút thuốc, tránh để khói thuốc ám vào quần áo. Đặc biệt, phụ huynh đừng bao giờ hút thuốc khi trẻ đang bên cạnh.
HUYỀN TRANG