Chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia. Mỗi người dân trở thành một công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số là một trong những mục tiêu cụ thể trong lộ trình chuyển đổi số của Hải Dương.
Một sáng cuối tuần, có bác hàng xóm sang chơi với mẹ tôi. Hai bà vừa uống nước chè, vừa cầm chiếc điện thoại thông minh trong tay rồi sôi nổi bàn đủ chuyện. Thấy hai bà dường như thành thạo công nghệ lắm, tôi bèn hỏi về dịch vụ công trực tuyến, về ứng dụng Smart Hải Dương nhưng cả hai bà đều chưa biết đến những dịch vụ hay ứng dụng này. Sử dụng điện thoại thông minh đơn thuần chỉ truy cập mạng, đọc tin tức, thậm chí xem thông tin rao bán hàng hóa trên mạng, nhưng cách mua thế nào cả hai bà cũng không biết.
Trên thực tế mẹ tôi, bác hàng xóm hay người dân khu tôi sống chủ yếu biết dùng điện thoại thông minh để truy cập internet do được con cháu hướng dẫn. Rồi người nọ hướng dẫn lại người kia. Tuyệt nhiên chưa thấy bóng dáng của thành viên các Tổ Công nghệ số (CNS) cộng đồng.
Trong Ngày Chuyển đổi số lần đầu tiên của tỉnh - ngày 26.3.2022, Tổ Chỉ đạo triển khai CNS cộng đồng tỉnh đã được thành lập. Đầu tháng 5, các địa phương trong tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai CNS cộng đồng cấp huyện, xã, tại các thôn, khu dân cư.
Từ đó đến nay đã 2 tháng, song dường như 1.340 Tổ CNS cộng đồng thôn, khu dân cư với gần 6.900 thành viên chưa đi vào hoạt động hoặc ít hoạt động thực sự khác hẳn với khi ban hành các quyết định thành lập, địa phương hăng hái, người dân đón chờ. Thậm chí không ít người dân đang quên dần sự tồn tại của các tổ công tác chuyển đổi số.
Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là thiếu chương trình tập huấn bài bản cho chính những thành viên các tổ CNS. Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các Tổ CNS cộng đồng là nhiệm vụ do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp CNS tiến hành. Song đến nay việc bồi dưỡng, tập huấn này chưa được triển khai. Thành viên các tổ mà phần lớn chưa tường tận công nghệ khó có thể tự áp dụng kiến thức, kỹ năng của bản thân để hướng dẫn người dân. Thậm chí nếu không tập huấn, việc hướng dẫn người dân có thể không đến nơi đến chốn, dẫn đến những hệ quả ngoài mong muốn.
Một nguyên nhân nữa cản trở "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh đến huyện là cơ chế hỗ trợ kinh phí. Lan tỏa CNS đến từng người dân không phải nhiệm vụ trong ngắn hạn. Ngay cả khi thành viên các tổ CNS thôn, khu dân cư được tập huấn, việc bám cơ sở, hướng dẫn người dân là một quá trình dài. Riêng việc đi lại để hướng dẫn người dân đã ngốn một khoản chi phí không nhỏ. Ai sẽ lo khoản chi phí đó?
Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Tổ CNS cộng đồng thôn, khu dân cư là cần thiết. Điều quan trọng là cần xây dựng cơ chế hỗ trợ bảo đảm đúng quy định, phù hợp thực tế hoạt động.
Chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia. Mỗi người dân trở thành một công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số là một trong những mục tiêu cụ thể trong lộ trình chuyển đổi số của Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung.
Nhiệm vụ của hàng nghìn thành viên các tổ CNS không nhỏ, cần nhanh chóng triển khai. Đừng để những tổ này tồn tại chỉ mang tính hình thức.
LÊ TRẦN