Một đứa trẻ 4 tuổi chạy bắng nhắng quanh người lớn đang nói chuyện, người cha lừ mắt, đến gần, xách tay bé lên, phát mạnh vào mông bé kèm theo câu mắng chửi: "Hư quá đi mất, đi chỗ khác chơi ngay!"
Ở một khung cảnh khác, đứa trẻ 6-7 tuổi ngồi oặt ẹo trên ghế ở bàn học, viết mãi không xong một trang viết. Cạnh bên, người mẹ cầm cây dọa dẫm: "Có viết nhanh lên không thì bảo, không viết xong, tối ra ngoài đường ngủ nhá!"
Những hình ảnh trên diễn ra đầy rẫy trong đời sống của người Việt tới mức chúng được xem là bình thường. Cha mẹ đánh, mắng con thậm tệ với cùng lý do: dạy dỗ con. Nếu ai đó có ý kiến phản đối việc đánh, mắng vì điều này có thể gây tổn thương thể xác lẫn tinh thần của trẻ, vi phạm Luật Trẻ em, những trường hợp nghiêm trọng là vi phạm Bộ luật Hình sự thì sẽ có rất nhiều người biện minh rằng: ngày xưa, nhờ cha mẹ dùng đến roi vọt mà nay mình mới nên người; không dạy dỗ nghiêm khắc thì có ngày con sẽ "trèo lên đầu lên cổ cha mẹ ngồi". Thậm chí, nhiều người còn phê phán việc cấm tuyệt đối đánh đập trẻ ở phương Tây sẽ làm mất đi văn hóa tôn ti, trật tự, quyền lực cha mẹ của người Việt.
Chính quan điểm "phải xem xét việc đánh đập tùy mục đích" là giáo dục con hay muốn bạo hành con nên việc đánh đập trẻ cứ được duy trì hằng ngày, hằng giờ trong nhiều gia đình Việt. Trong khi đó, ranh giới giữa việc dùng roi vọt dọa dẫm để giáo dục trẻ với việc bạo hành trẻ là rất mong manh.
Câu chuyện cô bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết làm rúng động dư luận cả nước. Những người xung quanh nghe tiếng khóc la của cô bé, tiếng mắng chửi của cha mẹ cũng thấy phiền lòng, nhưng cũng không xem đó là sự việc thực sự nghiêm trọng, cần phải báo cảnh sát khu vực, các tổ chức bảo vệ trẻ em.
Nếu ai theo dõi tin tức sẽ biết ở nước Anh gần đây cũng có một vụ việc tương tự. Cậu bé Arthur Labinjo - Hughes cũng bị bạo hành đến chết bởi mẹ kế và cha ruột. Dù tòa án đã trừng phạt họ bằng 29 năm tù cho người mẹ kế và 21 năm tù cho người cha ruột nhưng dư luận vẫn không chấp nhận sự việc dừng lại ở đó. Họ đòi hỏi tất cả các tổ chức từ chính phủ đến nhà trường phải hành động để không còn đứa trẻ nào phải chịu sự tra tấn dã man như Arthur.
Cái chết của cô bé 8 tuổi là tiếng chuông cảnh báo xã hội bao gồm các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng... phải cùng nhìn lại, cùng hành động để chấm dứt những nỗi đau tương tự. Tất cả những hành vi đánh đập trẻ, sỉ nhục trẻ dù nhân danh tình thương hay giáo dục đều bị cấm tuyệt đối. Mọi người trong xã hội này khi chứng kiến phải hành động quyết liệt để phản đối và báo cáo cơ quan chức năng. Cảnh sát, hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, các nhóm hội luật sư... phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm này. Các nhà quản lý giáo dục, ban giám hiệu, giáo viên các trường cần đưa chương trình giáo dục trẻ về việc bạo hành, bạo lực để trẻ tự bảo vệ bản thân, đồng thời cũng không thực hiện hành vi này với bất cứ ai, nhất là người yếu thế hơn mình.
Đừng để cái chết của cô bé 8 tuổi trở nên vô nghĩa trong cuộc chiến chống lại hành vi bạo hành trẻ em vốn tồn tại như những điều bình thường trong xã hội.
Theo Tuổi trẻ