Năm 2018, trong thực hiện các chỉ số cải cách hành chính (CCHC), Hải Dương đã không đạt điểm nào ở tiêu chí “sáng kiến hoặc giải pháp mới trong CCHC”.
Nguyên nhân do tỉnh ta có 2 sáng kiến, đề tài cấp tỉnh về lĩnh vực CCHC nhưng chưa được Hội đồng thẩm định của Bộ Nội vụ công nhận.
Năm nay, theo Sở Khoa học và Công nghệ, đến giữa tháng 9 vẫn chưa có đề tài khoa học hay sáng kiến cấp tỉnh nào liên quan đến lĩnh vực CCHC được đăng ký. Thông tin từ Sở Nội vụ cho hay hiện mới thấy Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh dự định phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện liên thông giải quyết một số TTHC.
Giải pháp này có được Hội đồng thẩm định của Bộ Nội vụ công nhận hay không là chuyện chưa thể biết trước. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay, rất khó để Hải Dương có thể đạt 2 điểm tối đa cho tiêu chí “sáng kiến hoặc giải pháp mới trong CCHC” năm 2019.
Sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC là tiêu chí thành phần của chỉ số công tác chỉ đạo điều hành CCHC.
Từ năm 2018, điểm cho tiêu chí này tăng từ 1,5 lên 2 điểm; yêu cầu phải có 3 sáng kiến, giải pháp thay vì chỉ cần 2 sáng kiến, giải pháp như năm 2017. 2 điểm không phải là nhiều trong thang điểm 9 của chỉ số này nhưng lại là khoảng cách lớn về thứ hạng giữa các địa phương.
Ví dụ, với 4,47 điểm trong công tác chỉ đạo điều hành CCHC, Hải Dương đứng vị trí 63, cuối bảng xếp hạng, trong khi tỉnh Điện Biên với 6,46 điểm, hơn Hải Dương chưa đến 2 điểm lại đứng ở vị trí thứ 43. Tính chung tổng số điểm CCHC, khoảng cách này cũng rất lớn.
Với 75,55 điểm, Hải Dương đứng thứ 41 trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC cấp tỉnh, trong khi địa phương hơn Hải Dương 2 điểm đứng ở vị trí thứ 26, hơn hẳn 15 bậc.
Nhưng ý nghĩa của sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC không phải chỉ ở điểm số mà còn bởi thực tế không có sáng kiến, không có giải pháp mới thì khó tạo ra các bước đột phá để cải cách.
Bộ Nội vụ đánh giá rất cao các sáng kiến, giải pháp mới, chưa có địa phương nào thực hiện và mang lại hiệu quả thực sự. Sáng kiến, giải pháp mới không cần phải là cái gì đó cao siêu mà nên xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và đi vào những việc cụ thể trong CCHC.
Đó có thể là việc mạnh dạn thí điểm áp dụng một cơ chế mới trong quản lý, trong thực hiện tài chính công hay công tác tổ chức cán bộ…
Vì sao tỉnh ta ít sáng kiến trong CCHC? Có ý kiến cho rằng, năm nào các cơ quan cũng phát động thi đua lao động sáng tạo, khuyến khích người lao động có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả công việc.
Trong lĩnh vực CCHC, có cán bộ, công chức tâm huyết, tích cực tìm cách để rút ngắn quy trình thực hiện TTHC, giảm phiền hà cho dân, song cũng có không ít người không hề muốn cải cách, chẳng cần sáng kiến bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của mình.
Nhìn lại việc thực hiện CCHC của Hải Dương có thể thấy rất nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi các giải pháp mang tính đột phá như rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục cấp phép đầu tư; chống tiêu cực, phiền hà khi triển khai các thủ tục hành chính; làm thế nào để cùng thực hiện chính quyền điện tử thì cũng cần có “công dân điện tử” vì tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 rất ít… Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là những vấn đề này chưa được quan tâm thỏa đáng.
Để có sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, thậm chí có cơ chế đặt hàng, khuyến khích các cơ quan tham mưu, cán bộ, công chức chủ động đề xuất, áp dụng các sáng kiến, giải pháp mang tính đột phá về CCHC.
HOÀI ANH