Trong tháng 5, tổng số ca mắc Covid-19 ở Hải Dương không bằng một ngày cao điểm của tháng 3. Hơn 40 ngày qua, toàn tỉnh không có bệnh nhân tử vong.
Những dấu hiệu trên cho thấy dịch Covid-19 đã hạ nhiệt nhưng cần khẳng định là dịch chưa kết thúc. Con số mỗi ngày có vài chục ca mắc mới chưa phản ánh đúng tình hình vì nhiều người mắc bệnh không khai báo do không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Hiện nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 hoặc sau khi mắc Covid-19 thì không tiêm mũi 3, mũi 4. Họ cho rằng đã mắc bệnh sẽ không tái mắc. Nhưng đây là suy nghĩ sai lầm. Thực tế đã có không ít người mắc Covid-19 tới 2-3 lần. Trong 143 bệnh nhân mắc Covid-19 ở Hải Dương tử vong (tính từ ngày 12.10.2021 đến 2.6.2022) có nhiều trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine. Không phải ngẫu nhiên ngành y tế khuyến cáo người dân nên tiêm mũi 3, mũi 4 vì không có vaccine nào hiệu quả 100%. Có một tỷ lệ nhỏ người dân không được bảo vệ sau khi tiêm vaccine, kháng thể mất dần theo thời gian cũng là điều chúng ta không thể lường trước. Chưa kể, hiệu quả của vaccine còn phụ thuộc khả năng miễn dịch của từng người.
Toàn tỉnh vẫn còn khoảng 10.000 người từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm vacicine, nếu không may nhiễm bệnh thì nguy cơ tử vong vẫn cao.
Hải Dương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đáng lo ngại là tiến độ tiêm vaccine cho trẻ đang diễn ra khá chậm. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều cha mẹ học sinh không đăng ký cho con tiêm. Họ truyền tai rằng trẻ nếu có mắc Covid-19 thì cũng không ảnh hưởng tới sức khoẻ. Một bộ phận lại đi tin vào những thông tin không chính thống trên mạng xã hội như tiêm vaccine có thể khiến trẻ vô sinh sau này… Song, ngành y tế khẳng định đây là sai lầm lớn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ mắc Covid-19 dù triệu chứng nhẹ hơn người lớn nhưng vẫn để lại những di chứng kéo dài như ho, đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều, mệt mỏi... Giai đoạn bệnh cấp tính có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ. Trong một số trường hợp hiếm có thể dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não. Trẻ đã từng bị Covid-19 có thể có những thay đổi nhỏ về ngôn ngữ, vận động, tâm trạng, đãng trí hơn, giảm khả năng chú ý, học tập khó khăn, đọc, viết chậm hơn... Nếu trẻ căng thẳng, ngủ không đủ giấc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này. Tại Việt Nam đã ghi nhận một bộ phận trẻ sau mắc Covid-19 gặp hội chứng viêm đa hệ cơ quan (MIS-C). Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi mắc Covid-19. Nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan tiêu hóa... bị tổn thương.
Đúng là dịch Covid-19 đã hạ nhiệt, cuộc sống của người dân đã trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, sự chủ quan có thể đánh đổi bằng những hệ quả khôn lường vì dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, thậm chí có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỗi người hãy bảo vệ người thân, bạn bè có nguy cơ cao trở nặng khi mắc Covid-19 bằng cách khuyến khích họ tiêm vaccine và tiêm mũi nhắc lại khi đến lịch. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo phòng chống dịch ngay cả sau khi đã tiêm vaccine.
TIẾN MẠNH