Hôn nhân chỉ là khởi đầu cho hành trình mới trong chuyện tình cảm, không có nghĩa là mãi mãi. Khi không còn hạnh phúc, ly hôn trong văn minh cũng là cái kết trọn vẹn.
Sau 2 năm kết hôn, việc cặp sao Hàn Song Joong Ki và Song Hye Kyo đường ai nấy đi từng là tin tức chấn động
Theo Relevant Magazine, điều khiến cuộc hôn nhân của người nổi tiếng trở nên hấp dẫn là họ có thể làm mọi thứ để có được "đám cưới cổ tích". Tuy nhiên, thực tế cho thấy "đám cưới cổ tích" không nhất thiết phải tạo ra "cuộc hôn nhân cổ tích" mà ở đó, hai người hạnh phúc bên nhau mãi mãi.
Chỉ là khởi đầu
Đám cưới là sự bắt đầu của những ngày tháng hôn nhân đầy hy vọng, mơ ước và lạc quan. Hai người cam kết dành tình yêu trọn vẹn cho nửa kia và tin rằng hạnh phúc sẽ kéo dài mãi mãi. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể nắm tay nhau đi hết cuộc đời, theo The Everyday Magazine.
Theo Metro UK, khi một cặp đôi nổi tiếng ly hôn sau nhiều năm gắn bó, điều luôn xuất hiện là ý kiến cho rằng chia tay đồng nghĩa mối quan hệ thất bại.
Như Washington Post từng đặt tiêu đề bài báo "Nếu Bill và Melinda Gates không thể có hôn nhân viên mãn, thì còn hy vọng nào cho chúng ta?" khi cặp đôi chia tay sau 27 năm chung sống.
Thực tế, ly hôn ngày càng phổ biến, dù là ngôi sao nổi tiếng hay người bình thường.
Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, khoảng 40-50% cặp vợ chồng ở xứ cờ hoa ly hôn. CDC cho biết cứ 1.000 người thì có 2,9 ly hôn (tính đến năm 2017).
Trong 3 tháng của năm 2021 trước khi Trung Quốc bắt đầu quy định "hòa giải 30 ngày", người dân đổ xô đi ly hôn. Hơn một triệu hồ sơ đã được thực hiện trong giai đoạn này, tăng 13% so với một năm trước đó, The New York Times đưa tin.
Các chuyên gia dự đoán tình trạng phong tỏa và áp lực của đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến số lượng cuộc ly hôn gia tăng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con người đang trở nên tồi tệ hơn trong hôn nhân. Đây có thể chỉ là biểu hiện của việc thay đổi kỳ vọng văn hóa và tiếp cận tốt hơn các lối thoát khỏi mối quan hệ độc hại.
Hai người ở bên nhau 70 năm không có nghĩa là cuộc hôn nhân đó viên mãn. Thế hệ của họ có lẽ không có nhiều lựa chọn khác. Tương tự, sự kết thúc của một mối quan hệ không đồng nghĩa là nó thất bại.
Trên thực tế, việc rời khỏi cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc mang đến tác động tích cực đến sức khỏe và hạnh phúc của gia đình.
Bước sang trang mới
Phản ứng trước tiêu đề của Washington Post về cuộc ly hôn của Bill và Melinda Gates, nhiều người đặt câu hỏi vì sao thông báo ly hôn lại bị coi là thất bại hay mất hy vọng về khái niệm tình yêu bền lâu.
Mặc dù nhiều người tin rằng hôn nhân là nỗ lực cả đời và mong muốn nó không bao giờ chấm dứt, nhà trị liệu tâm lý Sally Baker nói rằng một cuộc hôn nhân thành công là có thể "tự hiện thực hóa lý tưởng của bản thân" chứ không đơn giản là chung sống.
"Điều mọi người hướng tới trong hôn nhân là khả năng làm chủ chính mình, cảm nhận được tiềm năng của bản thân và đưa ra lựa chọn riêng. Đó là thước đo của một cuộc hôn nhân. Vì vậy, nếu duy trì hôn nhân mà không thể đạt đến đỉnh cao của việc tự hiện thực hóa lý tưởng của bản thân, tốt hơn là nên thoát ra", bà nói.
Theo Baker, một phần của vấn đề là cách con người tiếp cận các cuộc hôn nhân từ quan điểm văn hóa và luật pháp. Yêu cầu cung cấp lý do khi đệ đơn ly hôn có thể gây ra sự đổ lỗi cũng như cảm giác tội lỗi, thất bại.
Khi đệ đơn ly hôn, "không còn hòa hợp" là lý do mơ hồ nhất. Nó xuất phát từ cảm giác rằng ai đó phải đổ lỗi cho sự kết thúc của một mối quan hệ.
"Thực tế, cuộc hôn nhân tốt đẹp là khi còn chung sống, đôi bên đã cố gắng vun đắp và tạo cho nhau môi trường lành mạnh. Sau khi nuôi dạy con cái hay học hỏi nhiều điều về cuộc sống hôn nhân, họ có thể bước sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời khi không còn hạnh phúc", Baker nói.
Ly hôn là quá trình ảnh hưởng đến tinh thần của tất cả, không chỉ những người có hàng tỷ USD. Vì vậy, từ bỏ mối quan hệ lâu dài không phải lúc nào cũng là việc đơn giản và có thể nguôi ngoai trong một sớm một chiều.
Nhà trị liệu tâm lý đề cập đến khái niệm ly hôn thành công.
"Khi đã có con, ly hôn thành công nghĩa là đạt được kỳ vọng của bản thân mà không làm con cái khó chịu hoặc gây tổn hại cho chúng. Không có gì là không thể thay đổi", bà giải thích.
Kết thúc của một cuộc hôn nhân không phải là thất bại, mà đôi khi, chia tay trong văn minh chính là happy ending. Và mục tiêu cuối cùng của hôn nhân cũng không nhất thiết phải ở bên nhau đến cùng.
"Hôn nhân đáp ứng nhu cầu trong một khoảng thời gian cụ thể, có thể là 7 năm hay 70 năm. Miễn là trong mối quan hệ đó, không ai đánh mất bản thân, thỏa hiệp quá nhiều hoặc phụ thuộc vào nhu cầu của bản thân thì đã có thể được coi là thành công", Baker nói.
Bà cho biết thêm rằng coi ly hôn là sự thất bại chỉ vô ích vì nó làm tăng thêm áp lực xã hội hiện có về cuộc sống và mối quan hệ. Những áp lực này thường đổ dồn lên vai phụ nữ.
"Chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, đều được xã hội khuyến khích gạt đi nhu cầu của bản thân vì hạnh phúc của gia đình. Nhưng cũng như phim ảnh, quan niệm lãng mạn về hôn nhân chỉ là dàn dựng và không dựa trên thực tế. Cuối cùng thì không ai biết bí mật về cuộc hôn nhân của người khác. Vì vậy, mỗi người có thể tự đánh giá mức độ thành công của mối quan hệ của chính mình và đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất".
Theo Người lao động