Vừa lên mạng đọc tin tức, chị Lan quay sang bảo Thanh vẻ lo lắng:
- Ở huyện mình lại mới xảy ra vụ cháy nhà xưởng này.
- Ở đâu thế chị? Có thiệt hại gì không ạ?
- Ở gần nhà bà ngoại chị. Xưởng bị chập điện, do cháy vào ban ngày nên không ai làm sao, nhưng hàng hóa thì cháy gần hết.
- Nguy hiểm thật. Dạo này sao nhiều vụ cháy thế!
- Làm việc ở những nơi có nhiều thiết bị điện sợ thật. Không cẩn thận mất mạng như chơi.
- Em thấy lo quá. Ở trong phòng làm việc của chị em mình cũng nhiều thiết bị điện, nào là máy tính, máy tăng âm, máy in, rồi loa, đài...
- Phòng mình được trang bị bình chữa cháy rồi mà, lo gì.
- Nhưng em có biết dùng bình cứu hỏa ấy đâu.
- Chị tưởng em được tập huấn về dùng bình chữa cháy rồi chứ?
- Hôm tập huấn, em đang ở trong phòng, anh Hùng mang bình chữa cháy lên để góc phòng rồi hướng dẫn qua cách sử dụng. Nhưng mà cách đây cả năm rồi nên giờ em chẳng nhớ sử dụng nó ra sao nữa. Thế chị có biết dùng không, chỉ lại cho em với?
- Em không nhớ hôm ấy chị cũng đi công tác nên không được nghe hướng dẫn à?
Thanh thất vọng, thở dài:
- Có bình chữa cháy cũng như không. Đã không nhớ kỹ cách dùng, rồi không may xảy ra cháy thật, chân tay run rẩy, mất bình tĩnh nữa thì làm sao mà dùng bình chữa cháy nổi.
- Em xem trên bình có ghi hướng dẫn sử dụng không?
Thanh bước đến xoay bình chữa cháy ra xem rồi nói:
- Có hướng dẫn chị ạ! Nhưng mà toàn tiếng Anh với tiếng Trung Quốc thôi, có mỗi cái tem của Bộ Công an là tiếng Việt.
- Thế này thì chị em mình phải lên mạng tìm hiểu cách sử dụng bình chữa cháy thôi. Cần thiết in ra một tờ giấy rồi dán lên trên hộp ấy.
- Cách của chị em thấy cũng được. Nhưng em nghĩ tốt nhất để tất cả mọi người đều có thể sử dụng được bình cứu hỏa lúc cần thiết là thường xuyên tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng. Ngày mai chị em mình nhờ anh Hùng hướng dẫn lại cách dùng nhé. Mà lẽ ra nhà sản xuất, nhà cung cấp nên dán thêm một tờ hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy bằng tiếng Việt, vì không phải ai cũng biết tiếng nước ngoài.
THANH GIANG