Nhờ được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết nên nhiều gia đình đã cải thiện biện pháp chăm sóc bệnh nhân tâm thần theo hướng tích cực.
Nhờ tham gia tập huấn, bà N. đã hướng dẫn được con trai quét sân, quét nhà
Hải Dương hiện có hàng nghìn người mắc các triệu chứng về bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Không chỉ người bệnh mà cả người thân của họ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tỉnh đã chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chăm lo, phục hồi chức năng cho người tâm thần (NTT).
Trang bị kỹ năng cần thiết
Từ đầu năm tới nay, Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức 5 buổi tập huấn tại các huyện Nam Sách, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc và TP Chí Linh cho 500 gia đình có NTT, người bị rối nhiễu tâm trí.
Đây là một trong nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho thân nhân NTT trong khuôn khổ đề án "Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016- 2020".
Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội và Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương đã cung cấp những thông tin cơ bản về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho NTT và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; cách phòng ngừa, sử dụng thuốc; kỹ năng, phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho NTT.
Ông Mạc Đức Hanh, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Sách cho biết thông qua tập huấn cán bộ phụ trách lao động, thương binh và xã hội và thân nhân người bệnh được nắm thêm các kiến thức, kỹ năng cơ bản để chăm sóc NTT, giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng.
Đây cũng là dịp để thân nhân người bệnh chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, các dấu hiệu riêng của từng loại bệnh... Cán bộ chuyên môn đã giải thích, hướng dẫn phương pháp trị liệu cho người trực tiếp chăm sóc cho NTT.
Giúp thay đổi hành vi
Được trang bị kiến thức, nhiều kỹ năng bổ ích, không ít gia đình đã cải thiện biện pháp chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần theo hướng tích cực. Cả người chăm sóc và bệnh nhân đều từng bước thay đổi hành vi, giúp cải thiện tình trạng bệnh tật và giảm gánh nặng cho người thân.
Ông N.H.H. ở thôn An Điền Xuân, xã Cộng Hòa (Nam Sách) có vợ là bà T.T.O. (sinh năm 1956) mắc bệnh tâm thần. Hằng ngày, bà O. thường nhớ nhớ, quên quên, đôi lúc không kiểm soát được lời nói, việc làm.
Trước đây, do chưa được trang bị kiến thức, ông H. thường dựa vào kinh nghiệm để chăm sóc vợ nhưng đôi lúc có những việc cũng chưa phù hợp. Sau khi được trang bị những kỹ năng cơ bản, ông chăm sóc bà O. đỡ vất vả hơn.
"Tôi đã hiểu hơn tình cảnh bệnh tật của vợ. Tùy từng thời điểm diễn biến tâm lý của vợ, tôi điều chỉnh cách tiếp cận nên vợ chồng thấu hiểu nhau hơn, vợ tôi cũng bớt biểu hiện bệnh lý ở mức cao như trước", ông H. nói.
Những ngày gần đây, anh Phạm Văn Đ. (sinh năm 1988) ở thôn Hoàng Xá, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) đã có thể cầm chổi quét nhà, quét sân khiến cho bà Nguyễn Thị N. (mẹ anh Đ.) rất vui.
Đó là điều mà trước đây cậu con trai mắc hội chứng Down của bà không bao giờ làm được. Thường ngày anh Đ. hay đi chơi quanh quẩn đâu đó, đến bữa mới về ăn cơm. Do áp lực công việc cùng với chăm sóc con trai bệnh tật, đôi lúc bà N. khá mệt mỏi. Những lúc như thế, bà thường cáu gắt với con làm anh Đ. bức xúc, có lần còn hành hung mẹ. Bà N. cho biết hiện giờ mọi thứ đã thay đổi.
Sau khi được tập huấn, bà đã biết kiềm chế cảm xúc bản thân, nói những câu nhẹ nhàng, dễ nghe với con. Sau những lời khuyên bảo của bà, anh Đ. cũng nhận thức tốt hơn. Anh Đ. đã có thể phụ giúp mẹ được một số việc nhỏ. Với nhiều người khác đó là những việc làm bình thường nhưng với gia đình bà N. đó là cả một sự thay đổi lớn.
THANH NGA