Đăng tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân, nghiêm trọng có thể bị xử phạt lên đến 3 năm tù.
Một người phụ nữ ở Vĩnh Phúc bị xử phạt vì tung tin sai sự thật về dịch bệnh do nCoV - Ảnh: CTV
Cùng với nỗ lực phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, các cơ quan chức năng đã, đang xử lý nhiều đối tượng đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Theo quy định pháp luật, đăng tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân, nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự với mức phạt lên đến 3 năm tù.
Những ngày qua, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đang diễn biến phức tạp, bên cạnh những nguồn thông tin chính thống, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, thông tin giả gây nhiễu loạn, làm mất lòng tin của cộng động và gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng..., người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân.
Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Những ngày qua, đã có nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng xử phạt do thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Cụ thể, ngày 4.2.2020, Công an tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Liên Dung (sinh năm 1986, trú tại phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) 10 triệu đồng về hành vi sử dụng tài khoản Facebook Dung Nguyễn đăng tải nội dung sai sự thật về tình hình virus Corona ở Bệnh viện Đa khoa An Phước (Bình Thuận). Ngày 3.2, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 2 cá nhân có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để tung tin sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, mỗi trường hợp 10 triệu đồng. Cũng trong ngày 3.2, ông Lê Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang ký Quyết định số 01/QĐ-XPVPHC, ngày 3.2.2020, xử phạt bà N.T.N.L (ngụ tại phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) do có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, với số tiền 10 triệu đồng.
Tỉnh táo tiếp nhận thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh
Theo các chuyên gia, hiện, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực hết sức, triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân; thì mỗi cá nhân bên cạnh việc tự bảo vệ bản thân, cần có ý thức góp sức cùng nhà nước. Đặc biệt, mỗi người dân cần tỉnh táo tiếp nhận thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, từ đó có biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất; tránh tiếp nhận, phát tán những thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang lo lắng, phức tạp thêm tình hình phòng chống dịch bệnh.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Chỉ thị về việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Theo đó, toàn ngành Thông tin và Truyền thông tuyên truyền phòng chống dịch nCoV dựa trên nền tảng công nghệ: tổ chức nhắn tin tuyên truyền về phòng chống dịch đến từng thuê bao điện thoại di động; sản xuất các video clip, phim ngắn, thông tin dưới dạng đồ họa để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam, trên các nền tảng công nghệ số như Facebook, Zalo, YouTube, Lotus... Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình mở chuyên trang, chuyên mục, chương trình riêng để thực hiện các chuyên đề, đối thoại, giao lưu trực tuyến, hỏi-đáp trực tuyến nhằm cập nhật thông tin cần thiết một cách kịp thời, chính xác tới người dân. Ngành tập trung xây dựng, đăng tải các video clip, banner ảnh tĩnh, biểu ngữ cổ động… để tuyên truyền trên các báo điện tử có lượng người xem lớn; xây dựng các tin, bài tuyên truyền trên báo chí nhằm củng cố vững chắc niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hệ thống y tế cộng đồng, y tế cơ sở; đấu tranh chống các thông tin sai lệch trên mạng xã hội...
Hiện tại, để cập nhật thông tin về dịch bệnh, người dân có thể truy cập vào các website chính thống của Bộ Y tế như Cục y tế dự phòng... Để được tư vấn về: dấu hiệu, triệu chứng của bệnh và cách phòng chống; phát hiện về người nghi nhiễm bệnh; khai báo tại đâu khi có vùng dịch; vấn đề nhập cảnh (người Trung Quốc nhập cảnh, nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam, thủ tục nhập cảnh trong thời gian có dịch,...); thông tin phát hiện nơi bán khẩu trang giá cao và tình hình khẩu trang khan hiếm trên thị trường; các địa chỉ xét nghiệm, gọi điện 24/7 vào 2 đường dây nóng (miễn phí) của Bộ Y tế là: 1900 3228 và 1900 9095. Ngoài ra, người dân còn có thể liên hệ đến 21 đường dây nóng của các bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm nCoV 2019 hoặc gọi đường dây nóng của cơ sở y tế tại địa phương
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã có 10 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó đã có 2 trường hợp khỏi bệnh và ra viện là bệnh nhân ở Thanh Hóa và bệnh nhân người Trung Quốc (người con).
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 13 giờ ngày 4.2.2020, trên thế giới đã có 27 nước ghi nhận 20.629 trường hợp mắc bệnh viêm phổi do nCoV (20.438 trường hợp tại Trung Quốc), trong đó có 427 trường hợp tử vong (425 trường hợp tại Trung Quốc).
Theo TTXVN