Đưa thông tin đến công nhân khu nhà trọ

27/08/2012 17:46

Qua đây, các công nhân được giao lưu, học hỏi nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của mình, tự tin hơn trong giao tiếp xã hội....


Các bạn công nhân tham gia trò chơi thư giãn trong buổi sinh hoạt nhóm

Có mặt tại nhà văn hóa thôn Độc Lập, xã Ái Quốc (TP Hải Dương) vào lúc 8 giờ tối một ngày cuối tháng 8, chúng tôi hòa vào không khí sôi nổi một buổi sinh hoạt nhóm của các công nhân. Bàn ghế được xếp theo kiểu hình chữ U để tạo cảm giác thân thiện. Bắt đầu buổi sinh hoạt, các bạn sinh viên Khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu làm quen với mọi người. Tiếp đến, lần lượt các công nhân tự giới thiệu về mình. Sau đó, tất cả cùng tham gia một trò chơi. Các công nhân chia thành 2 đội, cử 1 thành viên của đội mình lên diễn tả một câu thành ngữ bằng hành động để các thành viên còn lại suy đoán. Khi trò chơi kết thúc, với sự hỗ trợ của các bạn sinh viên, nhóm công nhân bắt đầu thảo luận. Chủ đề hôm nay được các bạn lựa chọn là những vấn đề liên quan đến giới tính. Nhiều câu hỏi được đưa ra. Một số thắc mắc của công nhân chưa thể trả lời ngay được các bạn sinh viên ghi lại và hứa sẽ trả lời trên trang web cung cấp thông tin và tư vấn pháp luật có tên www.hotrophaply.net.

Hoạt động trên nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động nhập cư tại các khu công nghiệp phía bắc Việt Nam” do tổ chức Oxfam đoàn kết Bỉ và Oxfam Novib cùng phối hợp với Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) triển khai từ tháng 5-2011 đến hết năm 2014 tại Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Dương. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ thực hiện bảo vệ quyền của người lao động nhập cư và các vấn đề an sinh xã hội cho công nhân nhập cư tại các vùng quy hoạch của dự án. Tại tỉnh ta, dự án được triển khai ở khu công nghiệp Nam Sách. Những công nhân nhập cư đang cư trú tại thôn Độc Lập, xã Ái Quốc (TP Hải Dương) được tổ chức thành các nhóm công nhân tự quản, dự án hỗ trợ hoạt động nhóm và xây dựng ki-ốt thông tin.


Qua các buổi sinh hoạt nhóm giúp công nhân nắm được nhiều thông tin, quy định pháp luật


CDI thông qua Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ kinh phí nhằm duy trì hoạt động của các nhóm, đồng thời đưa sinh viên tình nguyện thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội về tham gia thuyết trình, thảo luận tại các buổi sinh hoạt. Đến nay, sau hơn 1 năm, dự án đã thành lập được 6 nhóm công nhân tự quản tại thôn Độc Lập, mỗi nhóm từ 15-30 người. Các nhóm tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Nội dung các buổi sinh hoạt xoay quanh các vấn đề liên quan đến các quy định pháp luật về lao động, an sinh xã hội, bình đẳng giới... Các nội dung này được công nhân lao động thảo luận trước, đặt ra các câu hỏi, sau đó trưởng nhóm gửi cho cán bộ dự án tham gia góp ý và cử người về thảo luận, trả lời. Bạn Nguyễn Thị Khuyên, quê ở thị trấn Sao Đỏ (Chí Linh) đang làm công nhân tại Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết: “Đây là hoạt động tập thể duy nhất mà chúng em được tham gia tại khu nhà trọ. Qua đây, chúng em được giao lưu, học hỏi nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của mình, tự tin hơn trong giao tiếp xã hội”.

 Để đáp ứng nhanh mọi thắc mắc của công nhân, dự án xây dựng tại thôn Độc Lập một ki-ốt thông tin, có máy vi tính nối mạng in-tơ-nét, tủ sách chuyên dụng với các tài liệu sách, báo, tờ rơi liên quan đến các vấn đề công nhân quan tâm. Ki-ốt mở cửa từ 17 - 21 giờ các ngày từ thứ 3 đến chủ nhật hằng tuần. Trung bình mỗi tháng có khoảng 200 lượt công nhân đến tìm hiểu thông tin trên mạng và gửi các câu hỏi cho cán bộ dự án. Nhiều công nhân không thuộc các tổ tự quản cũng đến tham khảo tài liệu tại ki-ốt. Với những kiến thức có được, người lao động có thể áp dụng vào thực tiễn công việc. Có trường hợp, sau khi được tư vấn tại buổi sinh hoạt nhóm, công nhân đã kiến nghị với tổ chức công đoàn về chất lượng bữa ăn của công ty chưa bảo đảm. Ý kiến của công nhân đã được lãnh đạo công ty tiếp thu, tăng chế độ dinh dưỡng bữa ăn cho người lao động. Ngoài ra, dự án còn tổ chức các lớp hội thảo, tập huấn cho cán bộ công đoàn chuyên trách các cấp để nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền điều hành nhóm công nhân nòng cốt; tham gia với chính quyền địa phương hỗ trợ việc thực hiện quyền và các vấn đề an sinh xã hội cho công nhân nhập cư; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp bảo đảm quyền của người lao động. Bà Nguyễn Phương Lan, cán bộ Trung tâm Phát triển và hội nhập cho biết: “Dự án nhằm giúp công nhân trong các khu nhà trọ ổn định việc làm, sống có văn hóa và tránh xa các tệ nạn xã hội. Đồng thời trang bị những kiến thức để công nhân tự bảo vệ mình trong trường hợp người sử dụng lao động không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động của dự án hiện nay vẫn gặp một số khó khăn do công nhân thường xuyên phải làm thêm giờ về muộn, vẫn còn tâm lý dè dặt, ngại chia sẻ thông tin và những khúc mắc trong công việc hoặc bận công việc gia đình... Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm vào các ngày cuối tuần, tiếp tục hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, lựa chọn nhóm trưởng nhiệt tình, năng động điều hành các tổ công nhân tự quản".

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa thông tin đến công nhân khu nhà trọ