Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Còn nhiều ý kiến khác nhau

26/05/2020 08:59

Tại chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV thảo luận dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nội dung đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật này đang được nhiều người quan tâm.


Nếu đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp thì số lượng người chịu tác động rất lớn

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương với 219 điều, quy định việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp (DN), bao gồm công ty TNHH, DN nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, DN tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật DN (sửa đổi) có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất là đề nghị đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật. Thứ hai là đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Các ý kiến bảo vệ quan điểm thứ nhất cho rằng đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật sẽ bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Việc này sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Nhiều ý kiến không đưa hộ kinh doanh vào Luật DN (sửa đổi) lại dẫn ra nhiều lý do. Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là DN nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật DN. Bởi vậy cần xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Số lượng hộ kinh doanh chịu tác động rất lớn. Bởi vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật sẽ có cả mặt được và chưa được.

Ông Hiền phân tích: Hiện nay, các quy định về hộ kinh doanh chưa đồng bộ, mới quy định ở cấp nghị định, chưa quy định ở cấp luật nên thiệt thòi cho họ. Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật DN (sửa đổi) sẽ tạo sự thống nhất, bình đẳng trong luật đối với hộ kinh doanh. Từ đó tạo thuận lợi cho họ trong việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm. Hộ kinh doanh được bình đẳng với các đối tượng kinh doanh khác. Các quan hệ với người lao động, ngân hàng, bạn bè đối tác của hộ kinh doanh được nâng lên.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện rất nhiều hộ kinh doanh với số lượng người lao động ít, vốn ít, hoạt động trong phạm vi hẹp, nếu áp dụng các chính sách về kế toán, chính sách bảo hiểm cho người lao động, các nguyên tắc về môi trường… như DN thì các hộ kinh doanh sẽ "rất sợ”.

Ông Hiền ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN (sửa đổi). Bởi nếu cứ nấn ná thì không biết đến bao giờ mới xây dựng được luật. Hơn nữa để xác định được vị trí pháp lý của các hộ kinh doanh trong bộ luật riêng cần thời gian chờ đợi rất lâu. Các hộ kinh doanh vẫn bị “bỏ quên”, thiệt thòi, không xác định đúng tư cách. Tuy nhiên, ông Hiền nêu quan điểm khi đưa hộ kinh doanh vào Luật DN (sửa đổi) cũng cần có cơ chế linh động, "dễ chịu" để họ phát triển.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Còn nhiều ý kiến khác nhau