Việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 23.10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo thẩm tra về dự án luật.
Bảo đảm bao quát hết các đối tượng khen thưởng
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: Việc ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là cần thiết. Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26.11.2003, có hiệu lực từ ngày 1.7.2004.
Luật Thi đua, khen thưởng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013 là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, sau 17 năm thực hiện, Luật hiện hành bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung toàn diện, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Về công tác thi đua, việc tổ chức triển khai phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân. Về công tác khen thưởng, Luật có đối tượng điều chỉnh rộng, liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chưa bao quát hết các đối tượng.
Về thủ tục, hồ sơ khen thưởng, một số quy định về thủ tục, thành phần, số lượng hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính; quy định thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với một số loại hình khen thưởng chưa phù hợp.
Với các căn cứ nêu trên, việc xây dựng, theo Bộ trưởng, việc trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành và quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; đồng thời đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 8 chương và 98 điều. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 18 điều nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng;” sửa đổi, bổ sung 53 điều với nhiều nội dung mới để bảo đảm bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị, đồng thời cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước.
Đáng chú ý, dự án luật bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội.
Dự thảo luật đã bổ sung quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền; sửa đổi, bổ sung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Cần làm rõ đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Việc sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 17 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”.
Ủy ban cũng cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. So với luật hiện hành, dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm bao quát hết các đối tượng khen thưởng cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, thực chất của công tác thi đua khen thưởng.
Ủy ban Xã hội đề nghị đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về pháp luật; cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng và quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số trong các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong dự thảo luật.
Về một số nội dung lớn của dự thảo luật, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng; thi đua, khen thưởng đối với khu vực ngoài nhà nước; bổ sung, thay đổi tên gọi các danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; vấn đề tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền trong quý 4.2021 để làm căn cứ cho việc hoàn thiện quy định của dự thảo luật.
Theo TTXVN