Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021: Hướng đến người học

21/03/2021 06:42

Dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay cơ bản ổn định như năm trước, chỉ có một số thay đổi nhỏ mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh.



TS có nhận xét gì về những điểm mới của dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay?

- Về cơ bản, dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2021 ổn định như năm trước, chỉ có một số thay đổi nhỏ mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh.

Điểm mới đầu tiên là, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.

Đây là thay đổi có lợi cho thí sinh và phù hợp với thực tiễn; đồng thời là điểm nhấn ưu việt của dự thảo Quy chế này. Qua đó, giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trong lựa chọn trường học, ngành học. Mặt khác, với sự điều chỉnh này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn được các thí sinh phù hợp.

Tôi cho rằng, đây là quy định mang tính nhân văn, hướng đến người học là trung tâm nên rất cần được phát huy.

 Dự thảo cũng quy định, các cơ sở có thể độc lập xét tuyển hoặc tự nguyện phối hợp với nhau thành nhóm cơ sở đào tạo để thực hiện xét tuyển? Ý kiến của TS về quy định này như thế nào?

- Thực ra đây không phải là quy định mới, tuy nhiên có điểm bổ sung là: sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất với các cơ sở đào tạo và đơn vị liên quan về mức thu, chi kinh phí phục vụ công tác tuyển sinh.

Thực tế, nhiều trường độc lập xét tuyển dựa trên dữ liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển giao. Tuy nhiên, cũng có nhiều cơ sở đào tạo cũng đã phối hợp với nhau thành nhóm cơ sở đào tạo để thực hiện xét tuyển.

Chẳng hạn, các trường đại học phía Bắc đã tham gia nhóm xét tuyển do Trường Đại học Bách khoa chủ trì, Học viện Quản lý giáo dục cũng tham gia vào nhóm này từ nhiều năm nay.

Từ thực tế tuyển sinh qua các năm cho thấy, khi các trường phối hợp với nhau trong xét tuyển thì sẽ hạn chế được tỷ lệ thí sinh ảo, từ đó đưa ra quyết định đúng và trúng về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.


TS Cao Xuân Liễu tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp

Nhìn tổng thế, dự thảo lần này có “làm khó” cho thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học hay không?

- Tôi khẳng định ngay là không làm khó thí sinh, ngược lại dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trên nhiều phương diện; từ đăng ký xét tuyển (cả phương thức trực tuyến và trực tiếp), đến điều chỉnh nguyện vọng và quá trình lựa chọn ngành học, trường học.

Qua đó, tạo điều kiện cho thí sinh có thể sửa sai nếu như quyết định của mình trước đó có vội vàng, sơ suất khi "nhấn nút" đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Năm 2021, công tác tuyển sinh của Học viện Quản lý Giáo dục có gì cần lưu ý – thưa TS?

- Năm nay, Học viện sử dụng chủ yếu 4 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét học bạ, xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Chi tiết, thí sinh có thể nghiên cứu trong đề án tuyển sinh của Học viện được công bố công khai trên Website của trường.

Ngoài các ngành đào tạo như: Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Ngôn ngữ Anh, Quản trị văn phòng, Công nghệ thông tin, Kinh tế giáo dục, Giáo dục học; năm nay nhà trường mở thêm 2 ngành mới là: Luật và Kinh tế.

Vậy TS có lời khuyên thêm cho thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển đại học năm nay?

- Theo tôi, cho dù chọn ngành hay bất cứ tổ hợp xét tuyển nào thì thí sinh cũng phải cố gắng, nỗ lực hết mình trong học tập, nhằm đạt kết quả trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Từ nay đến Kỳ thi không còn nhiều thời gian nên các em cần có kế hoạch học tập thật khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất. Cần chú ý tham khảo thông tin về tuyển sinh của các trường đại học trên các phương tiện truyền thông.

Ngoài ra, các em có thể chia sẻ, trao đổi về nguyện vọng của mình với bố mẹ, thầy cô giáo; lắng nghe ý kiến, lời khuyên của các chuyên gia để có lựa chọn sáng suốt về ngành nghề và trường học, phù hợp với sở trường, năng lực của bản thân.

Xin cảm ơn TS!

Theo Giáo dục và Thời đại

(0) Bình luận
Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021: Hướng đến người học