Trải nghiệm miệt vườn sông nước Thanh Khê

18/06/2018 15:27

Những ngày này, phong cảnh vùng trồng vải rộng hơn 90 ha ở xã Thanh Khê (Thanh Hà) đẹp như bức tranh đa sắc màu. Con sông Đồng Mẩn uốn lượn giữa những vườn vải sum suê đỏ rực.


Sau khi đi khảo sát trên sông Đồng Mẩn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển chỉ đạo huyện Thanh Hà xây dựng tiểu dự án du lịch sinh thái tại đây, kịp thời phục vụ du khách trong mùa vải năm 2019. Ảnh: Thành Chung

Nghe quảng bá từ lâu nhưng mãi đến thứ bảy vừa rồi, chúng tôi mới có dịp "mục sở thị" tour du lịch miệt vườn trên sông Hương (Thanh Hà). Ngồi trên chiếc thuyền lướt đi trên dòng sông mênh mang, hai bên là bờ là rặng vải sai trĩu, đỏ mọng, cảm giác thật thích thú. Một vài thành viên trong đoàn chúng tôi đã thốt lên: "Cần gì phải tới tận miệt vườn của vùng sông nước miền Tây xa xôi khi ngay ở Thanh Hà cũng có thể trải nghiệm du lịch miệt vườn thế này". 


Khung cảnh miệt vườn sông nước
. Ảnh: Thành Chung

Trái với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi, giữa trưa hè nhưng cảm giác không hề nóng bức bởi ngồi thuyền đi trên sông Đồng Mẩn, ta có thể cảm nhận từng làn gió mát rượi. Du khách có thể yêu cầu chủ thuyền ghé thuyền sát vào bất cứ cây vải ven bờ nào để chụp ảnh, tự tay hái quả, thưởng thức hương vị thơm ngon của nó…


Dòng sông Đồng Mẩn uốn lượn giữa vùng vải thiều. Ảnh: Thành Chung

Ông Takaaki Maeda, du khách Nhật Bản phải trầm trồ: “Đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân tới vùng đất này. Cảm giác ngồi thuyền hồi hộp nhưng lại thú vị. Đặc biệt, việc tự tay hái và thưởng thức những quả vải thơm ngon ngay trên thuyền rất thích thú”.


Du khách Nhật Bản trải nghiệm đi thuyền trên sông
. Ảnh: Thành Chung

Sau một quãng ngồi thuyền, du khách có thể chọn một khu vườn trồng vải bất kỳ ven sông để cập bờ. Tại đây, du khách chủ yếu đi bộ, luồn dưới tán vải, những chùm quả sai trĩu cành, cùng nông dân bẻ vải.


Du khách tham gia thu hoạch vải thiều với người dân địa phương. Ảnh: Thành Chung

Khu đồng Mẩn có diện tích 5,5 ha, vốn là cánh đồng trồng vải của người dân. Con sông Đồng Mẩn chảy dọc cánh đồng. Lòng sông được tô điểm bởi rặng vải đỏ mọng, hun hút hai ven bờ tạo nên vẻ đẹp bình dị nhưng rất đỗi nên thơ. Một vài năm trước, du khách tìm đến mua vải, thấy cảnh sắc đẹp nên đã trở lại nhiều lần. Một số người đăng hình ảnh lên trang mạng cá nhân “mách nước” cho những người khác. Từ đó, ngày càng nhiều đoàn khách lần lượt tìm về. Chị Phạm Thị Liêm, chủ nhân của 2,7 mẫu vải ở khu đồng Mẩn, cũng là hộ chuyên cung cấp dịch vụ chèo thuyền chở khách cho biết từ đầu vụ vải tới nay có khoảng vài trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả khách quốc tế về thăm.


Người dân mang vải đi bán trên những con đường nhỏ luồn dưới tán vải
. Ảnh: Thành Chung

Thấy khách về đông, cơ hội đầu ra cho quả vải của người dân được nhân lên, anh Thắng chồng chị Liêm đã dùng 2 chiếc thuyền đánh cá của gia đình chở du khách trải nghiệm trên sông. “Người dân ở đây rất thân thiện. Không chỉ có anh Thắng chị Liêm mà đi tới khu vườn nào, chúng tôi cũng được bà con mời ăn vải, tiếp đón bằng tình cảm quý mến, chân thành. Nhất định chúng tôi sẽ còn quay trở lại”, anh Lê Đình Ninh, phường Ngô Quyền (TP Nam Định) cho biết. Sau khi ngắm cảnh, trải nghiệm, du khách còn tha hồ lựa chọn những chùm vải tươi ngon, được chăm sóc theo quy trình VietGAP để làm quà tặng cho người thân.


Niềm vui được mùa, được giá
. Ảnh: Thành Chung

Miệt vườn sông nước Thanh Khê hiện như một “viên ngọc thô”, các hoạt động du lịch mới là tự phát. Ngày 13.6 vừa qua, sau khi đi khảo sát trên sông Đồng Mẩn và vùng trồng vải tại đây, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo huyện Thanh Hà rà soát  dự án đầu tư xây dựng công trình "Hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương" để xây dựng tiểu dự án du lịch sinh thái tại xã Thanh Khê, kịp thời phục vụ du khách trong mùa vải năm 2019. Với sự quan tâm đầu tư hạ tầng của Nhà nước, chắc chắn miệt vườn sông nước Thanh Khê ngày càng hấp dẫn du khách hơn nữa.

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trải nghiệm miệt vườn sông nước Thanh Khê