Thận trọng với tour du lịch kích cầu

10/07/2020 12:02

Không ít người dân đã phải nhận "quả đắng" khi mua tour du lịch giá rẻ nhưng mập mờ dịch vụ trên các trang mạng xã hội.


Nhân viên Công ty TNHH Quốc tế Dora tư vấn cho khách hàng địa điểm du lịch phù hợp

Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook, Zalo... tràn ngập thông tin mời gọi du khách tham dự những tour du lịch kích cầu với các dịch vụ hấp dẫn, giá rẻ. Tuy nhiên, không phải tour du lịch nào cũng bảo đảm chất lượng. 

"Treo đầu dê, bán thịt chó"

Trung tuần tháng 6 vừa qua, vợ chồng anh N.D.H. ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đi du lịch Phú Quốc 3 ngày 2 đêm với giá combo chỉ 3,5 triệu đồng/người. Tour du lịch này do vợ chồng anh đặt mua trên mạng xã hội Facebook. Liên hệ với người bán tour theo số điện thoại đăng kèm lời mời chào, anh H. được thông báo combo gồm vé máy bay 2 chiều của Vietnam Airlines dành cho 2 vợ chồng, phòng ở khách sạn 5 sao sang trọng, hiện đại. Ngoài ra, anh chị còn được miễn phí dịch vụ massage, xông hơi, ăn sáng.

Đây là lần đầu tiên vợ chồng anh H. có điều kiện đi du lịch xa vì thế họ rất háo hức. Tuy nhiên, khi đến Phú Quốc, anh H. mới té ngửa vì chỉ được ở khách sạn 3 sao. Muốn dùng các dịch vụ trên đều phải trả thêm tiền chứ không được miễn phí như quảng cáo. Anh H. rất bức xúc và gọi cho người bán tour. "Tôi thắc mắc thì họ bảo bây giờ do lượng khách đến Phú Quốc đông, hầu hết các khách sạn hạng sang đều hết phòng. Trước đây khách ít họ miễn phí buffet, massage, còn lúc chúng tôi đến thì đã hết chương trình", anh H. nói. 

Ngay cả với những người đã có kinh nghiệm đi du lịch theo kiểu đặt tour giá combo trên mạng như chị P.T.H. ở thị trấn Tứ Kỳ cũng bị những lời mời chào có cánh làm mê hoặc. Mới đây, 5 thành viên trong gia đình chị đã đặt tour đi Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm với giá 2,9 triệu đồng/người. Chương trình giới thiệu là đi máy bay Vietjet vào khung giờ thuận lợi, ở khách sạn 3-4 sao nằm sát bờ biển thơ mộng, được ăn 1 bữa chính với nhiều món đặc sản biển. Nhưng thực tế không như vậy. Máy bay cất cánh rất muộn. Nửa đêm cả nhà chị H. mới vào đến Đà Nẵng và phải vạ vật chờ đợi tại sảnh sân bay, 6 giờ sáng mới có người đến đón. Chị H. than thở: "Họ đưa chúng tôi về một khách sạn chỉ tầm 2 sao nằm sâu trong phố chứ không gần bờ biển. Phòng ở thì chật chội, nội thất cũ kỹ, ăn uống đơn giản. Muốn ăn đồ ngon phải trả tiền".

Bà Lê Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Dora (TP Hải Dương) không bất ngờ khi nhiều người than phiền về chất lượng các tour du lịch đặt qua mạng như 2 trường hợp trên. Đây là tình trạng chung ở nhiều nơi chứ không riêng gì Hải Dương. Theo bà Hà, sau khi hết thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, để khôi phục lại hoạt động kinh doanh, đa số các doanh nghiệp lữ hành đều tung các dịch vụ combo du lịch kích cầu với giá rẻ hơn bình thường khá nhiều. Không ít doanh nghiệp tuyển một lượng lớn cộng tác viên, trong đó có cả sinh viên làm quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Nhiều cộng tác viên do chưa am hiểu về lĩnh vực du lịch, không nghiên cứu kỹ sản phẩm nên thông tin, tư vấn sai làm cho khách bức xúc. 

Ngoài những doanh nghiệp lữ hành làm ăn chân chính vẫn còn không ít người, cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ lẻ lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa dối khách hàng. Họ lên Facebook quảng cáo những tour du lịch hấp dẫn, giá rẻ nhưng không hề ghi cụ thể những dịch vụ mà khách hàng được hưởng. "Combo là hình thức mua sắm kết hợp nhiều mặt hàng trong cùng một gói sản phẩm. Trong giá combo du lịch thường chỉ có vé máy bay, khách sạn, còn lại các chi phí đi lại, ăn uống... người đi phải tự túc. Nhiều người thấy trên mạng giá rẻ là mua. Đây một phần cũng do lỗi của khách hàng khi chưa tìm hiểu kỹ bản chất của dạng tour du lịch kiểu này", bà Hà nói.

Không vội vàng

Sự phát triển của mạng xã hội đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận với những chương trình du lịch hấp dẫn chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Tuy nhiên, đây cũng chính là kẽ hở để những doanh nghiệp lữ hành "ma" lừa gạt khách hàng. Việc phát hiện, xử lý những doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến vấn đề này rất khó và cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Quốc tế Dòng chảy Việt, nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn bán combo nhưng thường thông tin chi tiết và cam kết thực hiện đúng những dịch vụ mà khách hàng được hưởng. Khi lướt mạng, nếu thấy những dạng tour du lịch giá rẻ nhưng mập mờ dịch vụ thì khách hàng phải liên hệ để hỏi rõ lịch trình, những dịch vụ được hưởng. Ví dụ như đi máy bay của hãng nào, xuất phát bao giờ, di chuyển bằng ô tô loại gì, ở khách sạn nào, được miễn phí những dịch vụ gì... Có thông tin cụ thể, khách hàng có thể lên mạng để tìm hiểu trước về địa điểm mình đến, khách sạn nơi mình ở... xem có như lời quảng cáo hay không. Không nên thấy rẻ mà vội vàng đăng ký.

Một số người có kinh nghiệm đi du lịch khuyên những người chưa đi du lịch xa nên lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín để được tư vấn và phục vụ chu đáo, không nên tin tưởng những thông tin trôi nổi trên mạng.

BM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thận trọng với tour du lịch kích cầu