Lên cao nguyên đá Hà Giang dự phiên chợ độc đáo - chợ tình Khâu Vai

26/04/2022 12:11

Chợ tình Khâu Vai, hay còn gọi là chợ Phong Lưu, tồn tại hơn 100 năm qua, diễn ra ngày 27.3 âm lịch hằng năm, là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở Hà Giang.

Các chàng trai cô gái đến với Chợ Phong lưu Khâu Vai

Có một phiên chợ mà việc bán mua chẳng quan trọng, nhưng ấm đượm vẻ đẹp trên cao nguyên đá Hà Giang. Đó là chợ tình Khâu Vai, hay còn gọi là chợ Phong Lưu, có từ hơn 100 năm qua, mỗi năm tổ chức một lần vào ngày 27/3 âm lịch.

Phiên chợ độc đáo đã góp phần giúp đời sống người dân xứ đá trở nên sinh động, gìn giữ được nét văn hóa đặc sắc nơi đây.

Nguồn gốc chợ tình Khâu Vai

“Chàng ơi xuống núi cùng em
Nhớ mang theo ngựa và đi một mình
Em đây tuy chẳng còn xinh
Có ô che nắng chợ tình phong lưu”...

Từ ‘Khau Vai’ trong tiếng Tày-Nùng nghĩa là ‘đèo gai’. Nhưng nhiều tư liệu dùng chệch thành ‘Khâu Vai’. Khách đi du lịch Hà Giang còn gọi đùa đây là chợ Phong Tình.

Nguồn gốc của chợ phiên này bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của 2 người bị ngăn cấm.

Họ đã đưa nhau lên hang trên núi Khau Vai để trốn, sống qua ngày. Vậy nhưng ở dưới bản, họ hàng tộc cô Út vác cung vác nỏ sang mắng chửi nhà trai đã đem cô bỏ nhà đi. Nhà trai cũng mang gậy, mang dao ra đánh chửi nhà gái. Từ hang trên núi, 2 người thấy cảnh họ hàng vì mình mà đâm chém nhau, họ đau lòng mà đành chia tay, trở về làm tròn bổn phận với gia tộc. Trước khi chia tay họ hẹn 27/3 hàng năm sẽ lại đến Khau Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách.

Ở bên nhau hết đêm, ngày hôm sau họ sẽ lại về với cuộc sống thường ngày. Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây, ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27/3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.

Ban đầu chợ không phải để buôn bán sản phẩm gì, mà chỉ là nơi người ta tìm đến với nhau. Những người này có thể xa nhau do tình duyên trắc trở, gia đình ngăn cấm, hoặc những lý do khác mà không thể đến được với nhau, mỗi người đều ôm một đoạn tâm tư không dứt như truyền thuyết về đôi trai gái năm xưa. Bởi vậy ngày này là để họ có thể tâm sự hàn huyên sau một hoặc nhiều năm xa cách, thông báo tình hình hiện tại của nhau.

Các chàng trai cô gái đến với Chợ Phong lưu Khâu Vai

Những đoạn tình đứt quãng này đều là quá khứ của mỗi người. Thế nên những người đã lập gia đình đến đây, vợ không ghen, chồng không ghen. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng quá khứ của nhau, coi đấy là trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của nhau. Hết phiên chợ, họ lại quay về cuộc sống thường ngày, hẹn đến chợ năm sau lại tới.

Đây chính là nét đẹp văn hóa mộc mạc, giản dị của chợ tình Khau Vai. Dù hiện nay có nhiều hàng quán ‘ăn theo’ phiên chợ, khiến nó dần bị thương mại hóa nhưng bản chất của phiên chợ vẫn rất thu hút khách tour Hà Giang đến tìm hiểu văn hóa.

Cũng do bản sắc ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng này mà chợ tình Khau Vai giờ được tổ chức như một lễ hội, một sản phẩm du lịch cho du khách đến tham quan. Mà mỗi lễ hội đều sẽ có phần lễ và phần hội.

Cứ vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm, những chàng trai cô gái dân tộc nơi đây khoác trên mình những bộ trang phục đẹp nhất để cùng đến với chợ Phong lưu Khâu Vai.

Phần lễ của chợ tình, người dân Khau Vai sẽ dâng lễ lên miếu Ông, miếu Bà như để nhớ về nguồn cội, những người khai đất khai hoang ra bản làng Khau Vai và để tôn vinh tình yêu lứa đôi. Già làng làm chủ lễ sẽ dâng hương xin phép bắt đầu lễ hội.

Đến phần hội, du khách sẽ được tham gia hoạt động đặc sắc như chọi chim Họa mi, giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian… Ngoài ra còn có những gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản Hà Giang để du khách có thể mua về làm quà sau chuyến đi.

Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, chợ Phong lưu Khâu Vai không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp mà còn là nơi ca ngợi mối tình trong sáng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa.

Các chàng trai, cô gái du lịch hẻm Tu Sản - nơi đây được xem là đệ nhất hùng quan, danh thắng kỳ vĩ độc nhất của Cao nguyên đá Đồng Văn

Đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong lưu Khâu Vai," xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau 2 năm gián đoạn do dịch COVID-19, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 25-27/4 (tức ngày 25-27 tháng 3 âm lịch) tại huyện Mèo Vạc.

Với chủ đề 'Phiên chợ tình ca,' Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2022 sẽ diễn ra tại khu vực Mê cung đá, xã Khâu Vai và sân vận động trung tâm huyện Mèo Vạc.

Tối 26.4 (tức ngày 26.3 âm lịch), chương trình khai mạc lễ hội và đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong lưu xã Khâu Vai sẽ diễn ra tại sân khấu Mê cung đá, xã Khâu Vai.

Trong khuôn khổ lễ hội, chuỗi các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn mang đậm bản văn hóa sắc dân tộc tại Hà Giang sẽ diễn ra như hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá vào tối 25/4 tại sân vận động huyện Mèo Vạc; lễ dâng hương và lễ cầu duyên tại miếu Ông, miếu Bà, xã Khâu Vai; Lễ cầu an tại sân Mê cung đá xã Khâu Vai.

Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống được tổ chức tại khu vực Mê cung đá và trung tâm xã Khâu Vai như trình diễn thổi khèn Mông của xã Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc; hát dân ca dân tộc Nùng, dân ca dân tộc Giáy; múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban; múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô, xã Xín Cái; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; Múa trống của dân tộc Giáy thôn Nà Trào, xã Tát Ngà; Hát đối giao duyên qua ống dây của dân tộc Mông các xã: Lũng Pù, Giàng Chu Phìn; Múa, thổi khèn đơn, khèn đôi của dân tộc Mông xã Sủng Trà...

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, du khách có thể tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực của địa phương ngay tại các địa điểm tổ chức lễ hội và tham gia chuỗi hoạt động tham quan, trải nghiệm, như khám phá thung lũng hoa Tam giác mạch, hoa Sao nhái tại Mê cung đá (xã Lũng Pù, Khâu Vai); Khám phá chinh phục tuyến đi bộ Vách đá thần Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 ngắm hẻm vực Tu Sản, Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh cầu tình yêu tại Mê cung đá, xã Khâu Vai…

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết việc tái tổ chức Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai với quy mô cấp tỉnh nhằm tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Hà Giang, góp phần thực hiện các giải pháp phục hồi ngành Du lịch sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát trên địa bàn tỉnh.

Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2022 là điểm nhấn trong hoạt động văn hóa, du lịch hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với Hà Giang.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lên cao nguyên đá Hà Giang dự phiên chợ độc đáo - chợ tình Khâu Vai