Du lịch lại "rối như tơ vò" trong mùa vàng đón khách

01/05/2021 16:10

Dịch COVID-19 bất ngờ quay lại vào đúng dịp 30.4 và 1.5, kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày khiến thị trường du lịch thêm một lần nữa bị thách thức. Trong ngày 1.5, các tour vẫn được khởi hành theo kế hoạch, dù doanh nghiệp lữ hành phải vất vả hơn.

Nhà điều hành tour gặp khó khăn vì nhiều dịch vụ phát sinh thay thế khi dịch bùng phát ngay trước chuyến đi 

Dịch COVID-19 bất ngờ quay lại vào đúng thời điểm vàng của du lịch nội địa, khiến thị trường du lịch thêm một lần nữa gặp thách thức.

Ngày 1.5, giám đốc một công ty du lịch cho biết dù chưa có tour tuyến nào bị hủy trong ngày 30.4 và các đoàn tour đi Huế - Đà Nẵng - Hội An, Hà Nội - Hạ Long - Sa Pa, Đà Lạt... trong sáng 1.5 vẫn được khởi hành theo lịch trình, tuy nhiên việc tổ chức đoàn bị ảnh hưởng, xáo trộn khá nhiều.

"Ngay sát giờ khởi hành, một số tỉnh, thành bất ngờ thông báo đóng cửa điểm tham quan để chống dịch, một số khác lại hạn chế đón khách, hay nhiều sự kiện bị hủy khiến lịch tham quan của du khách cũng bị ảnh hưởng. Như đoàn của chúng tôi đến Tháp Bà PoNagar (Nha Trang) phải chia tốp nhỏ vì điểm tham quan này hạn chế số khách khiến thời gian kéo dài, khách bị ùn ứ", vị này cho biết. 

Một số tour chọn ở trong những khu nghỉ dưỡng của Hội An, Vũng Tàu, Quảng Ninh... nhà điều hành tour gặp khó khăn vì phát sinh nhiều dịch vụ thay thế. Do các chương trình bị hủy nên du khách chọn phương án an toàn là nghỉ ngơi tại resort thay cho tham quan, khám phá bên ngoài. 

Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Lữ hành Fiditour - Vietlux, cho biết trước khi dịch quay lại, phần lớn chương trình tour mà đơn vị thiết kế tập trung hoạt động thư giãn, nghỉ ngơi tại chỗ hoặc riêng tư, ít hoạt động ở sự kiện đông người. Tuy vậy, theo ghi nhận, không ít đoàn vẫn gặp khó khăn do nhiều nơi thông báo bất ngờ đóng cửa điểm tham quan, hay dừng tổ chức sự kiện. 

Trong khi đó, một số công ty du lịch cho biết đã có khách đi tour các tỉnh phía Bắc gọi điện nhờ tư vấn và có ý định hủy tour khởi hành trong tháng 5 này. Phần lớn là khách đi theo đoàn gia đình, nhiều thế hệ nên lo lắng an toàn cho người nhà.

Theo nhiều doanh nghiệp, mặc dù qua ba đợt dịch bùng phát nhưng các địa phương vẫn chưa có một kịch bản ứng phó cụ thể, hay điều hành hợp lý để phối hợp với các công ty đưa khách đến địa phương, hạn chế tổn thất cho du khách. Phản ứng của các địa phương là rất khác nhau và thường rất đột ngột, nên "doanh nghiệp bị xoay như chong chóng". 

"Đáng ra trước khi địa phương đóng cửa điểm đến, họ cần tính toán phương án đón khách phù hợp thay vì đóng đột ngột. Ngay như quy định ôtô trên 16 chỗ ngồi sẽ không được đi theo chiều đi lên đèo Prenn (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) trong dịp lễ 30.4 và 1.5 được phát ra chiều 29 cũng khiến không ít công ty du lịch chết đứng, chưa kể còn làm kẹt xe trầm trọng hơn", giám đốc một công ty du lịch ở TP Hồ Chí Minh nói.

Vị này cho biết thêm qua ba đợt dịch bùng phát, doanh nghiệp du lịch vẫn cố gắng bám trụ thị trường và du lịch cho thấy không chỉ là nhu cầu thiết yếu của người dân, mà duy trì hoạt động này còn thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thế nhưng một khi có dịch bùng phát, du lịch lại bị "hắt hủi" đầu tiên. 
Đại diện TST Tourist cho biết dù chưa có tình trạng hủy tour hàng loạt, nhưng các doanh nghiệp đều xác định lúc này cần xử lý nhanh và quyết liệt để đảm bảo không xảy ra tình hình tương tự các quốc gia khác, do đó doanh nghiệp du lịch sẵn sàng tuân thủ nghiêm túc.

"Cao điểm hè đang rất thuận lợi, chúng tôi cũng lên kế hoạch đến tháng 9. Tuy nhiên với tình hình này, mùa hè sẽ khó khăn hơn. Dù đã sẵn kịch bản các tình huống nhưng chúng tôi luôn mong muốn giảm thiểu ảnh hưởng ở mức thấp nhất, để có thể tạo đà cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo", đại diện TST Tourist nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel Holdings, cho rằng việc kích hoạt bản đồ số quốc gia điểm đến an toàn sẽ giúp du lịch Việt Nam hạn chế tình trạng "dẫn khách chạy lòng vòng", vì trong thời điểm dịch bệnh vẫn có những điểm đến an toàn, phân rõ khu vực an toàn với nơi có ca lây bệnh, lây nhiễm để du khách nắm. 

"Nếu chúng ta có bản đồ vùng an toàn thì du lịch vẫn có thể duy trì các chuyến đi với cam kết luôn bảo đảm các quy định về phòng dịch cho du khách như khai báo y tế, đeo khẩu trang, nước rửa tay, khử khuẩn phương tiện vận chuyển. Ngoài ra, cả nơi đón khách và công ty tổ chức tour cũng tuyệt đối không được lơ là. Sự kỹ lưỡng giúp môi trường du lịch an toàn để có thể duy trì các đoàn tour" - ông Kỳ nói, đồng thời cho rằng sự phối hợp điều hành của các địa phương, cơ quan quản lý rất quan trọng trong giai đoạn phục hồi của ngành. 

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch lại "rối như tơ vò" trong mùa vàng đón khách