Cần xác định sản phẩm du lịch trọng tâm để đầu tư, phát triển

30/11/2018 09:31

Các đại biểu đề nghị các huyện cần có đề án cụ thể để xây dựng sản phẩm du lịch trọng tâm của địa phương, tổ chức cho du khách trải nghiệm thực tế như làm bánh đa, làm mộc...


Quang cảnh buổi tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng ở Đảo Cò (Thanh Miện)

Trong 2 ngày 28 và 29.11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình khảo sát, tọa đàm, quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề tại Cẩm Giàng và sản phẩm du lịch cộng đồng ở Đảo Cò (Thanh Miện). Đại diện Tổng cục Du lịch, Vụ Lữ hành và gần 100 đại biểu các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình; một số doanh nghiệp lữ hành, du lịch; hơn 20 phóng viên, nhà báo đại diện cho các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tham gia khảo sát và tọa đàm.

Huyện Cẩm Giàng hiện có 33 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh, 1 bảo vật quốc gia. Tại huyện Thanh Miện có 41 di tích được xếp hạng, trong đó 15 di tích cấp quốc gia, 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh. 


Các đại biểu thăm làng mộc Đông Giao (Cẩm Giàng)


Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo hai huyện giới thiệu khái quát về văn hóa, lịch sử địa phương. Các đại biểu đều đánh giá Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều nét văn hóa đặc trưng, nhiều điểm du lịch thú vị, hấp dẫn. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch, thu hút khách đến tham quan còn hạn chế, hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa cao. Hải Dương cần xác định sản phẩm du lịch trọng tâm để đầu tư, phát triển; sớm biên tập một bộ tài liệu chuẩn giới thiệu các địa danh lịch sử, di tích để tránh thông tin bị sai lệch. Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên tại các điểm di tích. Cần quan tâm xây dựng các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn xung quanh điểm di tích để giữ chân du khách. Các huyện cần có đề án cụ thể để xây dựng sản phẩm du lịch trọng tâm của địa phương, tổ chức cho du khách trải nghiệm thực tế như làm bánh đa, làm mộc... Các điểm du lịch cần đan xen những nét văn hóa, văn nghệ đặc trưng của địa phương để chuyến du lịch không đơn điệu; cần có sản phẩm lưu niệm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. 

Gần 100 đại biểu đã đi khảo sát tại các điểm du lịch như Đền Bia, Văn miếu Mao Điền, chùa Giám, làng nghề mộc Đông Giao, Đảo Cò, làng nghề bánh đa Hội Yên. 

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần xác định sản phẩm du lịch trọng tâm để đầu tư, phát triển