Hiện mỗi quốc gia EU đều có kế hoạch riêng để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như từng bước vực dậy ngành công nghiệp không khói này.
Một điểm thăm quan nổi tiếng tại Rome, Italy vắng bóng du khách do dịch COVID-19 ngày 21.4. Ảnh: THX/TTXVN
Hè này, du khách liệu có thể đến thăm nhà thờ La Mezquita ở Cordoba, Tây Ban Nha, ngắm những vườn chanh trên đảo Procida của Italy, dạo chơi dọc những bãi biển mênh mông ở Zeeland, Hà Lan hay lạc bước trên hòn đảo thiên đường Santorini của Hy Lạp?
Hai tháng trước khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, giới chức Liên minh châu Âu (EU) thực sự đang bận tâm với câu hỏi liệu có thể “mở cửa” trở lại ngành du lịch hay không trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.
Châu Âu đã trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới và là khu vực chịu tác động nặng nề nhất với số ca tử vong chiếm hơn 50% tổng số ca tử vong toàn cầu. Đại dịch cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp không khói của “lục địa già” vì doanh thu từ du lịch chiếm phần đáng kể trong GDP của châu Âu.
Ước tính ngành du lịch châu Âu bị thiệt hại khoảng 1 tỷ euro mỗi tháng do COVID-19. Đối với những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy, tác động càng nặng nề khi doanh thu của mảng du lịch và giải trí giảm gần 100%, có khả năng đẩy một số quốc gia vào suy thoái.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 27.4, các Bộ trưởng Du lịch EU cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để giải quyết vấn đề của ngành du lịch trong bối cảnh giới lãnh đạo EU mong muốn có một "chính sách phối hợp" giữa các quốc gia thành viên để công dân EU có thể đi du lịch hè trong khu vực Schengen mà không gặp rủi ro về sức khỏe.
Ủy viên châu Âu về thị trường nội bộ Thierry Breton đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU về phục hồi ngành du lịch. Song khi phần lớn các nước châu Âu hiện nay chỉ đang ở giai đoạn chuẩn bị dỡ bỏ phong tỏa, nhiều nhà lãnh đạo EU cũng kêu gọi thận trọng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi người dân đừng vội đặt chỗ mà "nên chờ đợi trước khi lập kế hoạch. Bây giờ không ai có thể đưa ra dự báo đáng tin cậy cho tháng 7 và tháng 8". Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết 27 quốc gia thành viên nhất trí ưu tiên cho "sức khỏe và sự an toàn của công dân", khi mà các nước cũng chưa xác định được ngày mở trở lại các đường biên giới khu vực Schengen để người dân châu Âu có thể đi lại tự do ngay cả trong EU.
EC nhiều lần nhắc đến "chính sách phối hợp", song chưa đưa ra một đề xuất cụ thể nào. Sự phối hợp này áp dụng trước tiên trong các lĩnh vực giao thông và quá cảnh. Nếu người Đức đến Bồ Đào Nha bằng ô tô cá nhân, điều cần thiết là biên giới Pháp và Tây Ban Nha phải mở và du khách phải đặt được khách sạn trên hành trình di chuyển dài. Không có ích gì khi người Hy Lạp đầu tư để mở lại khách sạn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa y tế nếu máy bay không được phép cất cánh từ các nước EU khác.
Một điều chắc chắn là ở giai đoạn này, các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch như giảm thiểu giao thông công cộng, hạn chế đi lại, đóng cửa các địa điểm công cộng… sẽ biến hè 2020 thành mùa du lịch đặc biệt đối với du khách cũng như các nhà cung cấp dịch vụ. Thị trường du lịch của châu Âu dự đoán rất ảm đạm. Hiện mỗi quốc gia EU đều có kế hoạch riêng để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như từng bước vực dậy ngành công nghiệp không khói.
Pháp dự kiến bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 11.5. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã đưa ra đề xuất về một mùa du lịch hè trong nước, cho rằng sẽ "không hợp lý" khi lên kế hoạch du lịch nước ngoài ở thời điểm này. Nhiều lý do được nêu lên như vận tải hàng không chưa thể nhanh chóng hoạt động trở lại bình thường, các điều kiện nhập cảnh hoặc tái nhập cảnh vào lãnh thổ Pháp sẽ rất khắt khe đối với những người trở về từ nước ngoài. Trung bình mỗi mùa hè, có khoảng 9 triệu người Pháp đi du lịch nước ngoài.
Chính phủ đề nghị người dân Pháp ưu tiên cho kỳ nghỉ hè trong nước, tạo điều kiện vực dậy ngành du lịch quốc gia đang lao đao vì đại dịch. Trên các mạng xã hội, phong trào kêu gọi đi nghỉ hè trong nước đang được lan truyền rộng rãi. Dự kiến, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê và bảo tàng sẽ được phép mở cửa trở lại từ giữa tháng 6 với những điều kiện bảo đảm an toàn cho du khách.
Là địa điểm du lịch hấp dẫn thứ hai trên thế giới sau Pháp, ngành du lịch hằng năm mang lại 12,3% GDP cho Tây Ban Nha. Kể từ ngày 17.3, Tây Ban Nha đóng cửa biên giới đường bộ và các chuyến bay giảm xuống mức tối thiểu. Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến tiếp tục đóng cửa biên giới trong suốt mùa hè. Người dân Tây Ban Nha được khuyến khích dành kỳ nghỉ ở trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán một mùa du lịch vắng khách nước ngoài có thể làm giảm 60% doanh thu, tương đương 92 tỷ euro trong năm nay. Lĩnh vực dịch vụ của Tây Ban Nha ước tính cũng sẽ thất thu khoảng 120 tỷ euro.
Năm 2020 được dự báo cũng sẽ là một năm "mất trắng" đối với ngành du lịch của Italy, đất nước sở hữu 55 di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Từ ngày 10.3, hoạt động du lịch của Italy, ngành chiếm đến 15% số lao động và 13% GDP quốc gia với 232 tỷ euro, đã hoàn toàn đình trệ. Từ Bắc tới Nam của “bán đảo hình chiếc ủng”, 1.500 bảo tàng trở nên hoang vắng và hơn 330.000 nhà hàng đóng kín.
Một điều chắc chắn là Italy không thể trông đợi 94 triệu lượt du khách nước ngoài như năm 2019. Kết quả cuộc khảo sát mới đây cho thấy 83% người Italy dự định ở lại trong nước vào mùa hè này. Thậm chí, việc rời khỏi địa phương cũng phải xin giấy phép vì người dân được khuyến khích nghỉ hè ngay trong vùng mình cư trú. Mỗi vùng sẽ tự đề ra quy tắc riêng để bảo đảm khoảng cách và điều kiện vệ sinh an toàn tại các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, cũng như trên bãi biển.
Tại Đức, sau năm kỷ lục 2019 với 500 triệu lượt du khách lưu trú qua đêm, các chủ khách sạn và nhà hàng đang hy vọng vào khách hàng trong nước để vực dậy ngành du lịch. Nhưng các điểm du lịch chính, từ vùng đất Bavaria xanh tươi đến bờ biển Baltic, vẫn đang phải phong tỏa để chống dịch, ngay cả với những người sở hữu một ngôi nhà nghỉ tại đó.
Bồ Đào Nha, quốc gia đã tránh được thảm kịch không kiểm soát được sự lây lan của virus do sớm đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha, đang thận trọng lên kế hoạch cho mùa du lịch hè. Thủ tướng Antonio Costa dự kiến sẽ hạn chế số lượng người đến các bãi biển, vốn rất đông vào mùa hè. Các thành phố ven biển sẽ phải thực hiện các biện pháp giãn cách cần thiết để người dân có thể nghỉ ngơi trên bãi biển trong an toàn. Doanh thu ngành du lịch đóng góp 14,6% GDP của Bồ Đào Nha. Năm ngoái, Bồ Đào Nha đã thu hút hơn 16,3 triệu lượt du khách nước ngoài.
Tại Áo, nơi lệnh phong tỏa đã kết thúc vào ngày 13.4, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Các sự kiện tập trung đông người bị cấm cho đến cuối tháng 6. Thủ tướng Sebastian Kurz không loại trừ nguy cơ "nhập khẩu" bệnh nhân ngay cả khi Áo hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng. Cho đến lúc đó, ông Sebastian Kurz khẳng định người dân sẽ không thể tự do đi du lịch không giới hạn như trước đây.
Tuy nhiên, Áo có thể mở biên giới vào mùa hè để đón khách du lịch từ Đức và các quốc gia khác đang kiểm soát được tình hình dịch COVID-19. Theo thống kê chính thức, khách du lịch Đức chiếm hơn 30% lượng khách đến Áo vào mùa hè năm ngoái. Nếu không có khách du lịch nước ngoài, Áo sẽ phải chịu những tổn thất lớn. Chính phủ Áo cũng có kế hoạch mở lại một số nhà hàng và các cơ sở khác liên quan đến du lịch từ cuối tháng 4. Các bảo tàng và các địa điểm văn hóa ở Áo sẽ được phép mở cửa trở lại vào giữa tháng 5 tới.
Trái ngược với phần lớn các nước EU, Hy Lạp đang gấp rút thực hiện các chiến dịch quảng cáo du lịch hè đối với du khách châu Âu. Đón khoảng 30 triệu lượt du khách vào năm ngoái, du lịch là trụ cột thứ hai của nền kinh tế Hy Lạp sau vận tải biển với 1/4 số lao động và 20% GDP quốc gia. Tuy Hy Lạp không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch, ước tính doanh thu du lịch cũng sẽ sụt giảm hơn 70% trong năm nay, kèm theo 25% số khách sạn sẽ bị phá sản. Để thu hút du khách, Chính phủ Hy Lạp dự kiến sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay Athens. Đây sẽ được coi là hộ chiếu miễn dịch, cho phép du khách đi đến mọi nơi ở đất nước này.
Người dân ở những địa phương nổi tiếng về du lịch thì lưỡng lự. Một mặt, họ muốn tránh tiếp xúc gần du khách nước ngoài vì lo ngại nhiễm virus SARS-CoV-2. Mặt khác, họ hiểu rõ tầm quan trọng của du lịch đối với nền kinh tế, hàng triệu việc làm phụ thuộc trực tiếp và gián tiếp vào du lịch.
Có thể thấy ngành du lịch châu Âu đang ở giữa “ngã ba đường”. Tình trạng “đóng băng” trên thị trường du lịch vài tháng nay do dịch COVID-19 đang đe dọa hàng triệu việc làm; nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ bị đóng cửa và phá sản, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng phải chật vật để tồn tại; nhiều dịch vụ liên quan cũng sẽ không thể đứng vững… Tuy nhiên, việc mở cửa sớm ngành du lịch trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay lại tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Rõ ràng, ngoài thúc đẩy chính sách phối hợp chung của khối, việc hỗ trợ cho ngành du lịch cần là ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch phục hồi kinh tế sau dịch bệnh ở các nước EU.
Theo TTXVN