Sau một thời gian bỏ hoang, dự án Nhà máy thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh) được đưa ra đấu giá với mức khởi điểm hơn 100 tỷ đồng. Được biết các ngân hàng rót cho dự án này hơn 750 tỷ đồng mà chưa thu lại được đồng nào.
Sáng 5.4, một lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết sau quá trình thẩm định giá, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh đã tổ chức bán hồ sơ đấu thầu tài sản Nhà máy thép Vạn Lợi với giá khởi điểm hơn 108 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, bà Thái Thị Tân, Chánh án TAND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: Tòa án đã tiếp nhận hồ sơ tranh chấp dân sự của dự án Nhà máy thép Vạn Lợi. Trong quá trình thụ lý vụ việc, hai bên đã đạt được thỏa thuận nên tòa chuyển toàn bộ hồ sơ cho Chi cục Thi hành án dân sự thị xã để tiến hành thi hành án.
Theo ông Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh, sau khi tiếp nhận hồ sơ về vụ tranh chấp Nhà máy thép Vạn Lợi, đơn vị đã hợp đồng với Công ty CP Giám định và thẩm định Phương Đồng (Hà Nội) để thẩm định giá trị còn lại của nhà máy thép này.
Do tài sản quá lớn, sau một thời gian dài mới kiểm đếm được tài sản của Nhà máy thép Vạn Lợi. Sau khi thẩm định, giá trị còn lại của nhà máy là hơn 108,6 tỷ đồng, Chi cục Thi hành án đã lựa chọn Công ty TNHH Đấu giá Hồng Lĩnh tổ chức bán đấu giá tài sản nhà máy thép này.
Theo đơn vị tổ chức đấu giá, hồ sơ đấu giá tài sản Nhà máy thép Vạn Lợi được bán từ ngày 2.4, dự kiến đến ngày 26.4 sẽ tiến hành tổ chức đấu giá tài sản nhà máy thép này.
Được biết năm 2008, dự án Nhà máy thép Vạn Lợi được khởi công với công suất 500.000 tấn/năm, do Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh (Tập đoàn thép Vạn Lợi 58,4%, Công ty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành 34% và một số cá nhân khác) làm chủ đầu tư.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên gần 2.000 tỷ đồng.
Nhiều thiết bị của đự án nhà máy này bị hoen gỉ, được định giá ngang với sắt vụn
Đến nay dự án này đã giải ngân gần 1.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 750 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB) 620 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank) 70 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV) gần 50 tỷ đồng…
Do dự án này bỏ hoang hàng năm trời nên đến tháng 5.2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận cho phép đầu tư nhà máy. Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với một số cơ quan chức năng xử lý việc thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị...
Theo Tuổi trẻ