Đột phá trong sản xuất lúa

12/11/2015 09:39

Sản xuất lúa gạo ở tỉnh ta từ chỗ chỉ đủ bảo đảm an ninh lương thực thì nay đã trở thành vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn của khu vực đồng bằng sông Hồng.




Máy móc xuất hiện ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất lúa theo hướng hàng hóa.
Trong ảnh, nông dân xã Gia Khánh (Gia Lộc) thu hoạch lúa bằng máy


Trải qua chặng đường 70 năm phát triển, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đã góp phần quan trọng làm nên những vụ lúa bội thu. Sản xuất lúa gạo ở tỉnh ta từ chỗ chỉ đủ bảo đảm an ninh lương thực thì nay đã trở thành vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn của khu vực đồng bằng sông Hồng.

Năng suất, sản lượng liên tục tăng

Những năm 50 của thế kỷ trước, sản xuất lúa ở tỉnh ta đã phát triển vượt bậc. Sản lượng lương thực bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh năm 1956 đã đạt mức 440,6 kg/người, cao gần gấp đôi sản lượng lương thực bình quân đầu người của các tỉnh khác khu vực phía Bắc. Nhờ đó, giai đoạn này tỉnh ta đã xóa được nạn đói giáp hạt và trữ được một sản lượng lớn thóc gạo trong dân. Những năm sau đó, năng suất lúa tăng liên tục từ 16,3 tạ/ha năm 1956 lên mức 31 tạ/ha năm 1985. Mấy năm gần đây, năng suất lúa của tỉnh luôn đạt trên 60 tạ/ha, tăng hơn 3 lần so với năm 1955.

Nhờ có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, tích cực thay đổi cơ cấu mùa vụ, trà, giống mà sản xuất lúa của tỉnh ta tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Ông Trịnh Huy Đang, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Hải Dương cho biết: “Có năm nông dân tỉnh ta thiếu ăn, gạo phải chở từ đồng bằng sông Cửu Long ra cứu trợ. Nhưng hiện nay năng suất và sản lượng lúa của tỉnh đã cao nhất, nhì các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nông dân không những không còn cảnh thiếu đói mà còn có thóc để bán”.

Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất lúa trở nên phổ biến. Nhiều giống lúa mới đã đưa vào gieo cấy, bảo đảm năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Hệ thống thủy lợi liên tục được tỉnh đầu tư kiên cố, góp phần phục vụ sản xuất hiệu quả, nhất là sản xuất lúa. Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù diện tích đất trồng lúa của tỉnh có xu hướng giảm do chuyển sang đất phi nông nghiệp và chuyển đổi một phần sang trồng cây, nuôi thủy sản nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng. Nổi bật nhất là cơ cấu mùa vụ của tỉnh nhiều năm qua đã thay đổi phù hợp với điều kiện sản xuất. Hiện nay, nông dân đã dần bỏ vụ chiêm chuyển hẳn sang làm vụ xuân, nhờ đó khắc phục được tình trạng lúa xuân chết rét. Trong vụ mùa, tập trung mở rộng trà mùa sớm để thay thế trà mùa muộn, từ đó khắc phục được tình trạng lúa bị ảnh hưởng năng suất do ngập úng cuối vụ. "Các giống dài ngày năng suất thấp được thay bằng các giống ngắn ngày cho năng suất cao, góp phần sản xuất lúa theo hướng thâm canh, tăng vụ. Hiện nay, máy cày, máy gặt đã xuất hiện ngày càng nhiều trên đồng ruộng, góp phần phát huy hiệu quả của dồn điền, đổi thửa, xây dựng được các vùng sản xuất lúa tập trung một vùng, một giống, một thời gian theo hướng cánh đồng mẫu lớn”, bà Hà khẳng định.

Phát triển lúa hàng hóa

Nhờ năng suất và sản lượng liên tục tăng nên những năm gần đây sản xuất lúa của tỉnh ta đã có bước chuyển mạnh mẽ theo hướng hàng hóa. Nhiều vùng lúa chất lượng cao của tỉnh đã được hình thành ở Bình Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng. Bắt kịp nhu cầu của thị trường, nông dân đã lựa chọn những giống lúa cho chất lượng gạo tốt, được người tiêu dùng ưa thích nhưng vẫn bảo đảm năng suất cao. Hiện nay, lúa chất lượng ở nhiều địa phương trong tỉnh đã chiếm từ 70-80% diện tích như ở Thanh Miện, Bình Giang. Nhiều giống lúa chất lượng cho năng suất cao đã được đưa vào đồng ruộng như Bắc thơm số 7, Hương thơm, BC 15, Thiên ưu 8…

Ông Nguyễn Phương Vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang khẳng định: “Sản xuất lúa hàng hóa là xu hướng phát triển tất yếu. Hiện nay, Bình Giang đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn từ 50 ha trở lên. Các mô hình này chủ yếu cấy những giống lúa chất lượng có giá bán cao. Từ việc xây dựng những vùng lúa chất lượng sẽ tăng thu nhập cho người trồng lúa”.

Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh ta đã xác định mục tiêu sản xuất lúa theo hướng hàng hóa. Do đó, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 200 mô hình sản xuất lúa chất lượng hàng hóa tập trung theo hướng cánh đồng mẫu lớn, quy mô 50 ha trở lên. Theo bà Vũ Thị Hà, hiện nay nông dân sản xuất lúa gạo vừa để ăn vừa để bán. Nhất là sau khi nhiều địa phương của tỉnh hoàn thành dồn điền, đổi thửa và đưa đề án tái cơ cấu nông nghiệp vào đồng ruộng thì sản xuất lúa càng chuyển biến mạnh theo hướng hàng hóa.

Sản xuất lúa không chỉ bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực mà phải tạo ra lợi nhuận khá, nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, sản xuất lúa của tỉnh ta cần tiếp tục có những đột phá mới để tăng năng suất, giá trị cho hạt lúa.

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá trong sản xuất lúa