“Đột phá” ở Thăng Long

06/03/2012 11:49

Do thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, năm 2011 xã Thăng Long tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,2% so với năm 2010...

Là một xã thuần nông ở phía bắc huyện Kinh Môn, Thăng Long không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Để khắc phục khó khăn, từ năm 2010 trở lại đây, xã tập trung huy động sức dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mà trọng tâm là hệ thống điện, đường, trường, trạm. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hướng tới hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Đưa chúng tôi đi thăm các tuyến đường bê - tông nội đồng, hệ thống trường học và lưới điện của xã, đồng chí Nguyễn Văn Định, Chủ tịch UBND xã Thăng Long chia sẻ: “Xã đã đầu tư khá lớn xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm. Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình không còn phù hợp và không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, Đảng ủy, HĐND, UBND xã xác định việc tiếp tục nâng cấp hệ thống các công trình trên  là “khâu đột phá” để thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã trong giai đoạn mới”.

Xã tập trung đôn đốc nhà thầu thi công hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện, trạm biến áp thuộc dự án Năng lượng nông thôn 2. Sau khi hoàn thành, xã đã xin huyện cho chuyển HTX Dịch vụ điện Thăng Long thành Công ty TNHH một thành viên Điện lực Thăng Long để quản lý, vận hành. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn đã được đầu tư xây dựng mới, bảo đảm cấp điện liên tục, ổn định với chất lượng cao phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tiếp đó, xã đã tập trung huy động nhân dân đóng góp, đồng thời tranh thủ sự quan tâm tạo điều kiện của trên, trong 2 năm 2010 - 2011, đầu tư gần 12 tỷ đồng bê - tông hóa hệ thống đường giao thông thôn xóm và giao thông nội đồng. Anh Tạ Văn Khương, Trưởng thôn Lộ Xá cho biết: “Sau khi xã có chủ trương nâng cấp đường thôn, bê - tông hóa đường giao thông nội đồng, chi bộ thôn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, hiến đất để làm đường. Năm 2010, để bê - tông hóa toàn bộ 3,2 km đường trong thôn, xóm, 1.200 nhân khẩu của thôn đã đóng góp gần 1,2 triệu đồng/khẩu. Tiếp đó, năm 2011, Lộ Xá đã đi đầu toàn xã trong việc vận động nhân dân đóng góp thi công 100% các tuyến đường trục chính ra đồng với mức đóng góp bình quân 350 nghìn đồng/sào. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, toàn bộ 2,6 km đường đã hoàn thành. Vụ đông vừa qua, việc đi lại và đưa máy móc cơ giới vào đồng ruộng rất thuận lợi, nhân dân rất phấn khởi”.

Với sự hưởng ứng của cả 5 thôn, đến nay xã Thăng Long đã thi công được 9,6 km đường giao thông nội đồng với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng. Với những thành tích đó, năm 2010, Thăng Long đã được Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen. Điều quan trọng hơn, việc bê - tông hóa đường giao thông nội đồng đã góp phần thúc đẩy việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, nhất là 225 ha cây vụ đông hằng năm của xã.

Cùng với việc xây dựng hệ thống điện, đường, Thăng Long đầu tư xây dựng được 6 phòng học Trường Mầm non xã. Trong năm 2012, xã tiếp tục đầu tư khoảng 7 tỷ đồng để xây dựng thêm 8 phòng học nữa, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2005, Trường Tiểu học Thăng Long đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I. Để phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2, năm 2011, xã đầu tư xây dựng thêm 6 phòng học khang trang. Năm 2012, tiếp tục đầu tư xây dựng các phòng học, hệ thống tường bao, sân vườn cho Trường THCS để phấn đấu trường đạt chuẩn trong thời gian tới. Cùng với đó, xã tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của trạm y tế xã. Thăng Long cũng quan tâm đầu tư xây dựng các nhà văn hóa thôn. Đến nay, cả 5 thôn của xã đều có nhà văn hóa, 4 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa.

Do thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, năm 2011 xã Thăng Long tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,2% so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 16 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,8%. Khi được hỏi: “Vì sao trong thời gian ngắn, xã lại huy động được sự đóng góp to lớn của nhân dân để xây dựng các công trình trọng điểm?”, đồng chí Nguyễn Văn Định, Chủ tịch UBND xã Thăng Long cho biết: “Để huy động được sức dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trước hết đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải lãnh đạo xã, các thôn phải có ý thức  trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Trong đầu tư xây dựng các công trình phải thực hiện tốt quy chế dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Công trình được thi công dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, bảo đảm thi công đúng tiến độ, có chất lượng".

   VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Đột phá” ở Thăng Long