Mẹ vẫn đinh ninh là Tết Nguyên đán tôi mới được về. Không ngờ, mới Tết dương lịch mà tôi đã được đoàn tụ với gia đình.
Tôi đi taxi về đến đầu làng và xin xuống xe để đi bộ dọc triền đê, dù cho lái xe muốn chở tôi về đến tận nhà nhưng tôi từ chối. Tôi thèm cảm giác đi bộ để hít hà mùi vị thân thuộc của đồng đất quê mình. Tôi kéo vali, rảo bước vừa đi vừa ngắm bãi bờ xanh mướt những ngô, khoai quen thuộc. Những chú bò tha thẩn gặm cỏ nhắc tôi nhớ về một thời tuổi thơ chăn bò, cắt cỏ mà vẫn học hành giỏi giang. Trong bầu không khí giá lạnh của buổi chiều cuối năm, tôi có thể ngửi thấy mùi hăng nồng tỏa ra từ những ruộng hành. Cà rốt cũng bắt đầu được thu hoạch, đỏ lựng cả một khoảng bãi rộng. Tôi nghĩ đến mẹ, có lẽ mẹ sẽ bất ngờ lắm khi tôi từ Nhật trở về sớm hơn dự định. Mẹ vẫn đinh ninh là Tết Nguyên đán tôi mới được về. Không ngờ, mới Tết dương lịch mà tôi đã được đoàn tụ với gia đình. Dưới kia, dòng sông quê vẫn hiền hòa. Không biết Thịnh có chờ tôi như lời hẹn ước của ba năm trước không?
Tôi là con gái lớn trong gia đình, dù học giỏi hơn hai em nhưng biến cố xảy ra bất ngờ khiến tôi chẳng thể theo đuổi con đường học vấn được trọn vẹn. Khi tôi vừa nhận giấy báo nhập học của Trường Đại học Ngoại ngữ thì bố tôi lâm bệnh nặng, phải tiến hành phẫu thuật rất tốn kém. Mẹ quyết định bán cả mảnh đất trong ngõ mà ông bà ngoại cho làm của hồi môn để chạy chữa cho bố. Bố tôi qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe yếu hơn trước rất nhiều, không thể lao động chân tay được nữa. Một mình mẹ cáng đáng cả gia đình năm miệng ăn, đủ các thứ chi tiêu trên đời. Mẹ dằn lòng quyết định cho tôi nghỉ học. Mẹ nói với tôi trong nước mắt:
- Con thương bố, thương mẹ, thương các em! Mẹ biết con thiệt thòi nhưng hoàn cảnh nhà mình bây giờ khó khăn lắm!
Tôi im lặng nghe mẹ nói, cố nuốt nước mắt vào trong để từ bỏ con đường học hành mà tôi khao khát. Tôi sẽ đi xuất khẩu lao động để kiếm thêm thu nhập gửi về phụ mẹ nuôi hai em ăn học và chữa bệnh cho bố. Suốt khoảng thời gian học tiếng chuẩn bị đi nước ngoài, tôi chống chếnh, có lúc bần thần chẳng nạp được gì vào đầu. Nhìn bạn bè đứa nào cũng xúng xính, vô tư sống thời sinh viên, còn tôi chuẩn bị lăn lộn nơi xứ người… Càng nghĩ càng chạnh lòng, tủi thân. Thi đơn hàng đến lần thứ ba tôi mới đậu. Mỗi lần thi trượt, về quê, đi trên triền đê này tôi lại ngồi bệt xuống bãi cỏ, muốn hét lên thật to, muốn lội xuống sông khỏa nước cho trút hết ưu phiền. Con sông quê tôi vẫn dịu dàng và bao dung như thế. Sông rửa trôi những nỗi buồn tích tụ trong lòng tôi. Sông bồi đắp phù sa cho cánh đồng luôn màu mỡ, tốt tươi. Cho mẹ tôi trồng cà rốt để mong đổi đời…
- Này! Cô bé kia! Đừng có dại dột! Nguy hiểm lắm đó - tiếng con trai giật giọng như quát. Tôi ngoảnh lại, nhìn trân trối người thanh niên đang hớt hải chạy về phía mình.
Anh ta lao từ triền đê xuống, túm tay tôi lôi vào bờ:
- Bỏ tay tôi ra! Anh làm sao thế! Tôi la lên bây giờ - tôi giằng tay ra khỏi bàn tay rắn như sắt thép của anh ta - Tôi lội sông cho mát, vướng gì đến anh!
- Chứ không phải cô định…
- Anh bỏ cái suy nghĩ đen tối đó đi! - tôi gắt lên - Anh nhìn tôi đi, tôi xinh đẹp, trẻ trung phơi phới như thế này! Việc gì tôi phải dại dột?
- Phải rồi! Cuộc đời còn tươi đẹp lắm! Nhưng dù sao cô cũng không nên lội ra xa. Nguy hiểm lắm!
Chúng tôi lên bờ và cùng ngồi bệt xuống vệ cỏ. Anh ta tên Thịnh, người làng Uông Thượng, cạnh làng tôi. Làm quen xong tôi mới biết nhà Thịnh cách nhà tôi không xa, đi bộ ra bờ đê này cũng chỉ vài trăm mét.
- À! Em là Thảo, con bố Pha, mẹ Hảo ở Uông Hạ. Mẹ em có ruộng hành đẹp nhất bãi này. Nhà em có nghề trồng hành gia truyền chứ gì?
- Sao anh biết?
Thịnh tủm tỉm cười. Anh kể rằng anh mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về quê nuôi cá lồng và trồng cà rốt. Chưa đầy ba mươi tuổi nhưng Thịnh đã là ông chủ với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tôi thầm khâm phục nghị lực của một chàng trai nông thôn mới học hết lớp 12 nhưng đã có tầm nhìn xa trông rộng.
Từ hôm đó, thi thoảng Thịnh nhắn tin, gọi điện cho tôi, kể những chuyện vu vơ không đầu không cuối. Hôm nào Thịnh không nhắn tin là tôi lại cảm thấy nôn nao, trống trải. Có tháng tôi không về quê được lần nào, Thịnh lên tận chỗ tôi trọ để thăm, mang cho tôi mật ong rừng để pha nước ấm uống buổi sáng cho khỏi viêm họng. Anh chăm chút cho tôi từng tí một khiến mấy đứa cùng phòng ghen tị, giục giã:
- Thôi! Đi Nhật làm gì, ở nhà mà lấy chồng đi!
Tôi cười, quả quyết:
- Mọi thứ đã được lập trình rồi! Đi là đi, yêu đương cũng phải gác lại.
Nói thế thôi nhưng khi thi đậu đơn hàng, tôi không hề vui mà nghĩ ngợi nhiều hơn về sự lựa chọn của mình. Đi Nhật mất ba năm, nhưng thời gian ấy tôi có thể kiếm được một khoản tiền để phụ mẹ trang trải, để bù vào tiền cọc, để chữa bệnh cho bố, để nuôi hai em ăn học, hoàn thành nốt ước mơ còn dang dở của tôi. Nhưng nếu tôi ở lại, tôi lấy chồng, làm vợ, làm dâu rồi làm mẹ. Cuộc sống của tôi sẽ ra sao? Trong đầu tôi là một mớ lùng bùng, hỗn độn. Đứa con gái sắp bước sang tuổi đôi mươi là tôi nhìn cuộc đời không còn màu hồng như lúc đang ngồi trên ghế nhà trường nữa.
Về quê, gặp Thịnh ở triền đê bên dòng sông hiền hòa, chở nặng phù sa này, tôi ngập ngừng:
- Em sắp… bay rồi!
Thịnh bình thản:
- Em đi bao lâu?
- Ba năm...
Anh im lặng.
Tôi băn khoăn, nhìn vào mắt anh:
- Có lâu không anh?
Anh nắm chặt bàn tay tôi, nói chắc nịch:
- Anh chờ được! Em cứ đi đi! Em cứ trải nghiệm cho biết đó biết đây. Đi để mở mang tầm mắt…
- Anh nói thật không? Xa mặt cách lòng. Bình thường chỉ có con gái là bến đợi chứ đàn ông con trai mấy ai biết đợi biết chờ - tôi dài giọng trêu anh.
- Em không tin anh sao? Có dòng sông làm chứng...
- Thôi! Em không thích hẹn thề! Cứ để thời gian sẽ trả lời...
- Anh thưa chuyện với bố mẹ để bố mẹ sang nhà em dạm ngõ nhé!
- Thôi! Cứ từ từ anh ạ! Em đi rồi em lại về!
Cuối cùng Thịnh để tôi tự quyết định chứ không ép uổng làm theo mong muốn của anh. Tình cảm dành cho anh vừa nhen lên trong tôi thì đến ngày tôi phải lên đường. Mẹ sụt sùi muốn tiễn tôi ra sân bay nhưng tôi không cho mẹ đi. Tôi cũng không muốn Thịnh tiễn mình. Tôi sợ cảm giác chia tay người thân. Gần một năm trời học tiếng xa nhà, tôi đã quen sống tự lập, quen tự mình làm mọi việc nên lúc ra đi, tôi cũng muốn đi một mình. Bố bảo tôi “gan từ bé”, có lẽ bố nói đúng. Những đứa bay cùng với tôi đợt ấy đều có người thân đưa tiễn. Tôi một mình tự làm thủ tục, tự đẩy hành lý. Tôi đã bước lên máy bay với tất cả quyết tâm và bản lĩnh của cô gái trẻ mơ về một miền đất hứa xa xôi, tạm bỏ lại sau lưng cả một bầu trời tuổi thơ nơi dòng sông quê nhà, tạm biệt những người thân yêu và mang theo mối tình đầu đến xứ sở hoa anh đào.
Trước khi gặp Thịnh tôi khao khát đi xa, đi thật lâu cũng được, vì đi càng lâu thì tôi sẽ càng kiếm được thật nhiều tiền để lo cho gia đình, cho bố mẹ đỡ vất vả. Nhưng ba năm ở xứ người, tôi vạch lên góc phòng từng ngày trôi qua. Tôi đếm thời gian để nhanh đến ngày kết thúc hợp đồng. Có những hôm làm tăng ca, người rệu rã, thèm được chạy về nhà, ôm lưng mẹ, ngả đầu lên vai mẹ cho vơi nỗi nhớ. Trong giấc mơ, dòng sông quê nhà hiện ra như dải lụa mềm uốn lượn quanh làng. Tôi nằm trên bờ đê, nghe sáo diều vi vu trên bầu trời đầy nắng và gió. Dưới bãi sông, Thịnh đang thu hoạch cà rốt đỏ ối. Cà rốt chất đầy lên xe để chuẩn bị xuất khẩu. Dòng sông vẫn hiền hòa trôi về nơi xa. Tiếng cá quẫy tung, tiếng Thịnh reo: “Câu được rồi” làm tôi choàng tỉnh. Mở mắt ra chỉ thấy một màu tối đen, định thần lại mới biết mình đang ở xứ người xa xôi. Nghĩ đến công việc ngày mai sẽ lặp lại hôm nay, lòng bồn chồn bấm đốt ngón tay, ngóng ngày trở về. Mong lắm, nhớ lắm. Quê nhà vẫn đau đáu trong hoài niệm bâng khuâng. Những tin nhắn, những cuộc điện thoại của Thịnh hằng ngày đã giúp tôi vững tâm. Anh là một nguồn động lực rất lớn cho tôi nỗ lực làm việc mỗi ngày nơi đất khách quê người.
Mẹ gọi video cho tôi, vui mừng báo tin:
- Bố con đi lại được rồi! Thuốc tốt khác ngay con ạ! Tết này hết hạn hợp đồng con về hẳn nhé! - mẹ cười, khóe mắt hằn những vết chân chim - À! Thằng Thịnh vẫn thỉnh thoảng sang nhà mình chơi. Nó vẫn chờ con đấy.
- Vâng! Con sẽ về vào dịp Tết. Bố mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe. Mùa này trời rét, mẹ ra bờ sông nhớ đội mũ len hay bịt khăn kín tai vào kẻo gió lộng, mẹ nhé!
- Mẹ biết rồi! Ăn uống điều độ nghe con! – mẹ vẫn ân cần và xem tôi như một đứa trẻ nên dặn đi dặn lại từng tí.
Tôi biết trong lòng mẹ vẫn chưa nguôi áy náy vì để tôi phải nghỉ học dở chừng. Tôi muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch nhưng ước mơ ấy đã phải gác lại để nhường chỗ cho cuộc mưu sinh. Thanh xuân của tôi là những tháng ngày chăm chỉ làm lụng nơi đất khách quê người, là mong được làm tăng ca để có thêm thu nhập, gửi tiền về cho mẹ. Ba năm, tôi đã thêm khôn lớn và trưởng thành, chín chắn và điềm tĩnh.
- Thảo ơi! Em về sao không báo để anh đi đón! - Thịnh chạy ào tới như một cơn gió. Anh sà xuống ngồi cạnh tôi trên bờ đê lộng gió - Sao em lại ăn mặc phong phanh như thế này? - vừa nói anh vừa cởi áo khoác của mình khoác lên người tôi.
- Em muốn cả nhà bất ngờ, cả anh nữa. Em về hẳn rồi đây! Quê mình thay đổi nhiều quá anh nhỉ?
- Ừ! Chỉ có anh và dòng sông này vẫn thế! Trước sau như một, như lời hẹn ba năm về trước.
Tôi để yên bàn tay lạnh buốt trong bàn tay ấm áp của Thịnh cho vơi nỗi nhớ. Chúng tôi dắt tay nhau đi trên bờ đê. Mảnh đất này là quê hương của tôi, của anh. Ba năm là một khoảng thời gian chưa đủ dài cũng không phải ngắn, nhưng nó đủ để khiến một vùng quê phát triển hơn nhiều so với ngày tôi ra đi và khiến một thiếu nữ mới lớn như tôi nhận thấy rõ ràng sự thay đổi của vạn vật, của chính mình.
- Chúng mình đi dạo một chút nhé? Hay anh đưa em về nhà ngay?
- Em muốn ngắm dòng sông. Em muốn thăm cà rốt và lồng cá của anh - tôi chỉ xuống bãi sông mênh mông nước.
Chúng tôi bước tiếp trên con đường đê, vừa đi vừa kể chuyện. Qua từng đoạn đường, anh nhắc về những kỷ niệm gắn liền với dòng sông quê hương. "Chỗ kia em lội ra xa kìa, anh tưởng cô gái thất tình định tự tử cơ, lần đầu anh gặp em đó. Chỗ kia mình hẹn hò lần thứ hai nhỉ… Chỗ này em có nhớ không?" - giọng Thịnh trầm ấm và dịu dàng. Có lẽ cảm xúc thân thuộc nảy nở trong tôi không hoàn toàn phụ thuộc vào con đường quê, vào những quãng sông đầy kỷ niệm mà được mang lại từ chính người sánh bước bên cạnh. Hai đứa tôi vừa về đến cửa nhà thì mẹ tôi ngỡ ngàng:
- Thảo! Con về rồi đấy ư? Sao không báo cho mẹ biết? Mẹ tưởng Tết con mới về!
- Hôm nay cũng là Tết mà mẹ! - tôi ào đên ôm chầm lấy mẹ. Mẹ tôi có gầy đi chút ít, tóc nhiều sợi bạc hơn - Bố con và hai em đi đâu rồi ạ?
- Chúng nó theo bố con ra hái hoa. Bố con trồng vườn hoa đẹp lắm. Mai là ngày lễ nên hái về bán. Thịnh ở lại ăn cơm với gia đình nhé! - mẹ quay sang anh mời chân thành khiến anh chẳng thể từ chối.
Tôi đặt chân lên thềm nhà. Bố mẹ đã thay gạch lát nền sáng hơn, bóng hơn. Tôi cảm nhận thời gian trôi đi có thể làm thay đổi cảnh vật, thay đổi hình dáng con người nhưng không thể thay đổi những kỷ niệm, những cảm xúc quý giá của những người thân dành cho nhau.
Bữa cơm đoàn tụ thật ấm cúng bởi lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác ăn ngon miệng như vậy. Cả nhà quây quần đông vui, tíu tít kể chuyện. Chẳng bao lâu nữa là năm hết Tết đến. Hai em khoe thành tích học tập. Bố nhắc về kế hoạch mở rộng vườn hoa. Mẹ khoe ruộng cà rốt đã có mối xuất khẩu. Thịnh chính là ông chủ cà rốt lớn nhất làng nên bà con không lo hàng bị ùn tắc. Những bè cá lồng đã đưa Thịnh nổi tiếng trên mặt báo. “Việc gì phải đi đâu xa, nếu có chí thì sẽ làm giàu trên chính quê hương của mình, con ạ” - bố tôi nhấp ngụm trà, chỉ về phía đầu làng, thủng thẳng nói. Tôi hiểu bố đang muốn nói gì. Tôi nghĩ đến dòng sông quê, nơi tôi và anh hò hẹn, nơi anh khởi nghiệp. Sông vẫn thao thiết chảy như mạch nguồn của sự sống căng tràn.
Truyện ngắn củaTRẦN THÚY LÀNH