Đồng quê nổi dậy

19/08/2016 08:37

Sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945 tạo nên tình thế rối loạn "quân vô tướng, hổ vô đầu" của nhà cầm quyền từ tỉnh xuống xã, đã giúp chúng tôi đi lại dễ dàng và hội họp được với nhau.



Để ghi nhớ mốc son, nơi xuất quân giành chính quyền đầu tiên ngày 17-8-1945, thôn Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) đã làm bức tranh
gốm với tổng kinh phí 120 triệu đồng, thể hiện đoàn quân cách mạng từ đình Phú Lộc giương cao ngọn cờ tiến về huyện lỵ Cẩm Giàng


Ngày 4-4-1945, chúng tôi gồm Nguyễn Vĩnh (Ước), Nguyễn Công Hòa, Vũ Duy Hiệu, Đỗ Huy Liêm, Nguyễn Năng Hách, Trần Cung và tôi đã hẹn nhau đến nhà Hách ở Hải Dương (nay là nhà số 3 phố Bùi Thị Cúc, TP Hải Dương) họp bàn thành lập tổ chức Việt Minh của tỉnh để xây dựng và chỉ đạo phong trào rộng khắp. Chúng tôi phân công anh Vũ Duy Hiệu và nhờ anh Nguyễn Ngọc Xuân bên Hưng Yên tìm bắt liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản và Việt Minh trung ương để xin cán bộ trên về chỉ đạo phong trào cách mạng Hải Dương đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ. Tháng 3-1945, Xứ ủy cử anh Nguyễn Kha - cũng là cựu chính trị phạm về phụ trách Hải Dương. Sau đó, Tỉnh ủy Lâm thời Hải Dương gồm 5 người: Trần Cung, Hải Thanh (Doanh), Nguyễn Công Hòa, Vũ Duy Hiệu, Nguyễn Kha do anh Kha làm Bí thư được tuyên bố thành lập ngay ở nhà Hách sau chợ Lớn. Tôi được phân công phụ trách phong trào các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ và Ninh Giang.

Khoảng tháng 6-1945, cơ sở nhà Hách ở Hải Dương và nhà tôi ở làng Thượng Cốc (cách chợ Cuối, Gia Lộc 2 km) đều bị lộ, bọn mật thám đã xộc đến hòng vây bắt anh em tôi và các đồng chí khác. Anh Hiệu bị tù lại, đến khởi nghĩa mới được giải phóng, lúc lên nhậm chức Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Hải Dương trong cuộc mít tinh ở sân Tòa sứ cũ, đầu vẫn còn quấn băng trắng do bị tra tấn ở nhà lao. Hách phải bật lên Bắc Giang. Các hoạt động ở Hải Dương do Chi bộ Cộng sản và Việt Minh Thành tự quản dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Kha. Lúc ấy anh Kha "thoắt ẩn thoắt hiện" ở nhiều cơ sở bí mật từ Hàng Lọng, Hàng Đồng về Ngọc Lặc, chợ Yên, hoặc vùng Đoàn Đông, Bất Nạo trong Thanh Miện. Thấy tôi có thể bị bắt lại, anh Thịnh (Xứ ủy) và anh Kha phân công tôi đi chuyên trách Ninh Giang, bàn giao hoạt động Gia Lộc cho anh giáo Tuệ từ Hải Dương được điều về. Phong trào Việt Minh Gia Lộc tiếp tục lên mạnh. Mít tinh, diễn thuyết ở chợ Cuối, chợ Phe, chợ Bóng, chợ Chuối diễn ra thường xuyên. Cứ anh em khu này sang khu khác diễn thuyết nên không ai bị lộ. Các cuộc chống thuế, chống thóc tạ cũng được nông dân và cả các điền chủ hưởng ứng. Việc chống đói có nhiều kết quả, nhất là cứu giúp người lang thang xin ăn trên đường 17, đường đò Thưa. Riêng hai việc là phá kho thóc và tước súng huyện thì không làm được, vì thóc thu đến đâu chúng cho xe chở hết đi đến đấy. Còn súng thì sau vụ đồn Bần và các sự việc ở Ninh Giang, Cẩm Giàng, tỉnh đã thu hết súng của huyện...

Ở Ninh Giang, ngay từ trước khi tôi về, anh em Việt Minh đã gần như làm chủ tình hình. Các hoạt động diễn thuyết, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu gần như công khai. Cuối tháng 7, có tin Nhật sắp đầu hàng đồng minh, Ninh Giang được giao nhiệm vụ mở lớp quân chính ở Ngọc Chi - An Cúc cho cán bộ các huyện nam phần Hải Dương về học và chuẩn bị cướp chính quyền toàn phủ. Chúng tôi họp bàn các đầu mối sửa soạn khởi nghĩa cướp chính quyền phủ và phân công: Lực lượng vũ trang thị xã do anh Phác chỉ huy phối hợp với lực lượng Đà Phố - Ngọc Chi (có một số học viên quân chính tham gia) do anh Đào Đức Tú chỉ huy sẽ bao vây và tấn công phủ đường khi có lệnh; lực lượng Đông Bối khống chế vùng cầu Ràm; lực lượng Đồng Hy (do các anh Nhưng, Diệu, Liêm chỉ huy) cắt dây điện, tịch thu phà và chặn địch từ Hải Dương về ở đò Bía. Tất cả mọi việc đã sẵn sàng, chỉ sốt ruột chờ lệnh tổng khởi nghĩa.

Đang lúc ấy, tôi lại được điều động đi chỉ đạo cướp chính quyền ở huyện Cẩm Giàng. Chị Bùi Thị Diệm (tức Phương), một cựu chính trị phạm ở Thanh Hà về phụ trách Ninh Giang - Vĩnh Bảo thay tôi. Đầu tháng 8-1945 (cũng là đầu tháng bảy năm Ất Dậu), trời mưa liên miên, nước ngập trắng đồng ruộng, nhiều khúc đường 17 cũng ngập, đi lại từ làng nọ sang làng kia phải có thuyền nan hoặc bè chuối. Tuy vậy, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở Ninh Giang vẫn hừng hực khắp các xóm làng. Đây đó đã loáng thoáng có bóng cờ đỏ sao vàng và thỉnh thoảng lại nghe tiếng súng nổ. Thuyền chở tự vệ cứu quốc của ta đóng giả lính bảo an đi lại vun vút ngang dọc các cánh đồng ngập nước...
Tôi và anh Phan Điền cùng được cử đến phụ trách Cẩm Giàng lúc ở đây đang rạo rực không khí khởi nghĩa cướp chính quyền. Phong trào thành lập các tiểu đội; trung đội tự vệ cứu quốc ở Cẩm Giàng mạnh hơn nhiều nơi. Nhiều người mua súng tự trang bị. Anh em ta mang vũ khí đi tham gia khởi nghĩa ở Đông Triều - Chí Linh rất được hoan nghênh. Việt Minh thị trấn phá bình nước, cắt điện thoại ở ga, bắt lục sự Phong thân Nhật trói cảnh cáo ở phố. Sau vụ này, Nhật đem quân về khủng bố, bắt đi hai người. Hai lần phá kho thóc ở ngay phố, chỉ một lần đạt kết quả, thu ba gian nhà thóc chia hết cho người dân.

Tôi và anh Điền từ hội nghị Đông Thôn quay về Cẩm Giàng truyền lệnh Tổng khởi nghĩa thì anh em ở nhà đã sẵn sàng tất cả. Sáng 17-8-1945, chúng tôi triệu tập họp ở nhà anh Tổng Đản (một cựu phó tổng, giác ngộ cách mạng khá sớm) thôn An Điềm gần đường tàu bàn kế hoạch tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện và các tổng, xã. Đang họp thì được tin một ô tô cam nhông chở đầy vũ khí của Nhật bị đổ ở Quán Gỏi. Chúng tôi quyết định đình họp ra tước vũ khí. Lấy hết xe vũ khí, trung đội tự vệ được báo tin huyện Thuật đã bỏ trốn, nên lập tức kéo quân về chiếm huyện, treo cờ đỏ sao vàng trước cửa công đường. Cùng lúc ấy, như đã có mật báo, cờ Việt Minh tung bay đỏ khắp nhà ga, đầu cầu, cửa hiệu cửa hàng và các nhà dân phố chạy dài lên lối đê đi Văn Thai. Tin tức các xã cho biết từ cuộc họp An Điềm về, cán bộ Việt Minh đã vũ trang hành động, tước vũ khí, thu triện đồng của lý trưởng các xã và bọn lính cơ gác dường, gác chốt.

Ngày hôm sau (18-8-1945), Cẩm Giàng thành lập UBND cách mạng lâm thời do anh Thụ làm Chủ tịch, anh Thục làm Phó Chủ tịch, anh Tám Quý (ở Phú Lộc) làm ủy viên quân sự.

Tôi về Hải Dương báo cáo tỉnh, anh Kha lại cử tôi tăng cường cho Gia Lộc. Ngày 19-8-1945, tôi về đến chợ Cuối thì biết tin huyện Kiểm đã bỏ chạy, nhân dân và lính tráng tan tác mỗi người một nơi. Cổng huyện vẫn đóng vì anh Tuệ và bộ phận chỉ đạo còn làm việc ở ấp Hội Xuyên. Tôi gặp các anh, thông báo tình hình các nơi và chủ trương của tỉnh. Các anh nhất trí bàn kế hoạch, rồi chia nhau đi các xã. Hôm sau, các đoàn biểu tình rợp trời cờ đỏ từ các ngả đò Thưa, đò Đáy, Quán Phe, cầu Bình rầm rộ về cửa huyện mít tinh. UBND cách mạng lâm thời huyện Gia Lộc ra mắt gồm anh Bùi Quý Cảo (cử Cảo) làm Chủ tịch, các anh Tư Vụ và giáo Huệ làm Phó Chủ tịch. Do phong trào đã có từ lâu và tương quan lực lượng nghiêng hẳn về ta trong lúc thời cơ thuận lợi, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Gia Lộc quê tôi đã được tiến hành hết sức nhẹ nhàng, nhanh chóng...

Trích hồi ức của ông LÊ THÀNH LẬP Ủy viên Ban Bảo vệ cách mạng tỉnh năm 1945


(0) Bình luận
Đồng quê nổi dậy