Đông Nam Á trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden

01/06/2021 08:25

Quan điểm và chính sách ngoại giao mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ triển khai tại khu vực Đông Nam Á đang được xem là một trong những vấn đề trọng tâm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của các nước trong khu vực.

Vai trò trung tâm của ASEAN được ủng hộ

Đông Nam Á được xem là cửa ngõ để các cường quốc châu Á vươn mình ra thế giới, đồng thời là vùng đệm quan trọng để các cường quốc bên ngoài khu vực thiết lập ảnh hưởng và triển khai các chiến lược lớn. Dưới góc độ kinh tế, đây cũng là một thị trường tiềm năng với tốc độ phát triển nhanh, ổn định; tài nguyên thiên nhiên phong phú và cơ cấu dân số trẻ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: SCMP
Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các cơ chế an ninh do ASEAN sáng lập, vận hành trong những năm qua được các cường quốc thừa nhận, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. ASEAN đã trở thành một điểm hội tụ trong liên kết khu vực, vừa là trung gian hòa giải bất đồng giữa các cường quốc với mong muốn duy trì nền hòa bình ở khu vực.

Với vị trí địa - chiến lược của mình, Đông Nam Á nằm giữa vòng xoáy cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Trong đó, đối thủ số một của Mỹ ở khu vực - Trung Quốc xem Đông Nam Á là điểm khởi đầu để triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị, duy trì sự ổn định và khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực. Đồng thời còn là địa bàn căn cứ quân sự quan trọng để thực hiện nhiệm vụ tác chiến biển xa bờ. 

“Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Mỹ được triển khai nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, tự do và an ninh hàng hải, duy trì thế cân bằng lực lượng, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và giao lưu văn hóa - xã hội tại khu vực, đồng thời, thách thức sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Đây là chiến lược mang tầm vóc toàn cầu, quyết định triển vọng về vị thế, sức mạnh của Washington trong trật tự thế giới và tại khu vực châu Á trong hiện tại cũng như tương lai. Trong đó, Mỹ lấy Đông Nam Á làm tâm điểm kết nối hai đại dương.

Dưới thời cựu Tổng thống Obama, Mỹ đã thiết lập các khuôn khổ hợp tác với các nước Đông Nam Á, tăng cường hợp tác chính trị và quân sự với các đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Mỹ đã không đạt được mục tiêu kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với khu vực.

Trong thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống Trump, Mỹ gần như tập trung toàn bộ nỗ lực của mình vào việc huy động sự ủng hộ của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc. Chính điều này đã có những tác động nhất định làm suy yếu sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, lòng tin đối với Mỹ giảm sút đáng kể.

Kế thừa tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Trump, song chính quyền của Tổng thống Biden đã có những bước điều chỉnh, bổ sung trong cách thức tiếp cận theo hướng khéo léo, bài bản hơn nhằm đạt được mục tiêu tập hợp và gia tăng sức mạnh tập thể trong xử lý các thách thức.

Đối với các nước Đông Nam Á, chính quyền Tổng thống Biden coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), thúc đẩy tăng cường hợp tác Mỹ-ASEAN và quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN với các nước thuộc nhóm “Bộ Tứ” để giải quyết các thách thức đang đặt ra. Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Mỹ tiếp tục tham gia đóng góp trong các cơ chế hợp tác khu vực của ASEAN như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Mỹ tích cực ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Những năm qua, Mỹ-ASEAN đã có nhiều hoạt động hợp tác đa dạng trong nhiều lĩnh vực như khoa học, y tế, giáo dục, sinh kế. Các chương trình, sáng kiến hợp tác hiện có như Khuôn khổ Thương mại và Đầu tư ASEAN-Mỹ, Sáng kiến Kết nối ASEAN-Mỹ, Quan hệ đối tác Thành phố thông minh ASEAN-Mỹ, Sáng kiến các Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YEASLI) và các chương trình hợp tác về thương mại-đầu tư, phát triển nguồn lực con người, năng lượng tái tạo, hợp tác biển, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, hỗ trợ ASEAN ứng phó Covid-19,... Kế hoạch hành động hợp tác Mỹ-ASEAN cho giai đoạn 2021-2025 cũng đã được triển khai.

Vẫn nhiều thách thức

Bên cạnh những cơ hội, việc triển khai các chiến lược và chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á cũng đứng trước một số thách thức. Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung được dự báo sẽ còn gay gắt, phức tạp, gây tác động, quan ngại cho các nước trong khu vực, trong đó có các nước trong ASEAN. Trên thực tế, đã xuất hiện những lo lắng về nguy cơ bị can thiệp vào các vấn đề an ninh nội bộ các nước ASEAN. Tính thống nhất cũng như duy trì nguyên tắc đồng thuận của ASEAN cũng bị tác động bởi những tính toán chiến lược của nước thành viên và sự tập hợp lực lượng của các nước lớn.

Với Mỹ, các chuyên gia cho rằng, dù có những thay đổi trong cách tiếp cận của chính quyền Biden, song nhìn chung về lâu dài, Mỹ vẫn duy trì xu hướng tiếp cận và muốn ASEAN chia sẻ những ưu tiên chiến lược của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là trong vấn đề kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, các nước ASEAN duy trì chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, đa phương, dung hòa mối quan hệ với các nước lớn.

Giữa các nước khu vực Đông Nam Á và Mỹ còn tồn tại những quan điểm còn khác nhau về vấn đề dân chủ và nhân quyền, các vấn đề về quyền lao động và bảo vệ môi trường… chưa thống nhất trong các cuộc đàm phán thương mại có thể sẽ là những nhân tố gây cản trở nhất định cho quan hệ hợp tác giữa hai bên. Ngoài ra, ở Mỹ thường có sự thay đổi chính sách đối ngoại từ chính quyền này sang chính quyền khác, dẫn tới tình trạng “khó đoán định”.

Mặc dù ông Biden tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á, song trong tổng thể chính sách đối ngoại của Mỹ, ASEAN vẫn xếp thứ tự ưu tiên thấp hơn so với các đồng minh và đối tác chủ chốt. Tại Mỹ, những tiếng nói ủng hộ xu thế bảo hộ trong nội bộ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa còn cao. Việc phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ được xác định là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động của chính quyền Biden, vì vậy, sự tham gia của Mỹ trong các cơ chế hợp tác tại Đông Nam Á sẽ còn những hạn chế nhất định.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Á trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden