Những lá thư từ hậu phương đã tiếp thêm động lực, ý chí chiến đấu, giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.
Ông Mạc Văn Tảng vẫn xúc động mỗi khi nhớ đến lời dặn dò của người thân trong mỗi cánh thư
Nối hậu phương với tiền tuyến
Nhắc về kỷ niệm thời chiến, đôi mắt của ông Mạc Văn Tảng (64 tuổi, ở thị trấn Kinh Môn) ánh lên sự xúc động. Trong chiếc ba lô của ông khi đó luôn có những lá thư gửi từ quê nhà. Năm 1972, ông Tảng tham gia chiến đấu ở Đại đội 4, Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 60 thuộc Sư đoàn 305 Bộ Tư lệnh Đặc công. Từ khi ông rời xa gia đình, cha của ông là một người lính chống Pháp thường viết thư gửi cho con trai. Ngoài thư của cha, ông Tảng còn nhận được thư từ chị gái.
Mỗi khi nhận được thư, ông Tảng đều trân trọng và cất vào một góc trong ba lô. Trên những chặng đường hành quân, khi dừng nghỉ chân, ông lại lấy thư ra đọc. Những câu chữ, lời văn mộc mạc, chân chất nhưng đầy ắp tình cảm gia đình giúp ông như xua tan mệt mỏi. Những câu hỏi rất giản dị nhưng là sự quan tâm của người cha dành cho con trai: “Con đã gặp địch chưa, đánh nhau ra sao?”. Có những lá thư như viết chung cho ông và đồng đội: “Con và các anh em trong đơn vị có khỏe không? Các con có phải chịu đói, chịu rét không?”. Cuối thư bao giờ cũng là câu chúc quen thuộc của người cha: “Chúc con và đồng đội sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”. Những lá thư ấy ông Tảng thường chia sẻ với đồng đội. Những chàng trai tuổi 18, đôi mươi cùng nhau lắng nghe nhiều lời hỏi thăm, căn dặn gần gũi.
Những lá thư tiêu biểu còn được đọc trong các buổi sinh hoạt tư tưởng của đơn vị, trong đó có lá thư của cha ông Tảng. Lúc đó, ông xúc động lại xen lẫn tự hào. Những lá thư ấy là minh chứng sống động về tình cảm gia đình, quê hương mà lớn hơn là tình yêu đất nước. Dù chiến tranh gian khổ, ác liệt đến đâu, cha mẹ cũng động viên con vững vàng tay súng, không được thoái chùn bước.
Điều đặc biệt là trong đại đội đặc công của ông Tảng có hơn 80 người cùng huyện. Bởi thế mỗi khi ai đó nhận được lá thư của người thân kể về tình hình ở hậu phương, cũng là lúc nhiều người khác biết được tin tức nơi quê nhà. Đó có thể là thông tin về tình hình sản xuất, những đợt bom Mỹ trút xuống xóm làng, tàn phá quê hương năm 1972. Mỗi lần nhận thư là một lần ông Tảng được tiếp thêm động lực, thôi thúc ông quyết tâm chiến đấu. Đáp lại, ông Tảng cũng viết thư hồi âm, thông báo về tình hình sức khỏe, chiến trận... Ông Tảng đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh và giành thắng lợi vẻ vang, tiêu biểu là chiến dịch Tây Nguyên.
Cổ vũ tinh thần chiến đấu
Ông Nguyễn Đức Vỹ (64 tuổi, ở xã Hồng Lạc, Thanh Hà) cũng nhớ mãi những lá thư nhận được trong những năm tháng chiến đấu. Ông Vỹ nhập ngũ năm 1974. Trước khi vào chiến trường, đơn vị ông đóng quân ở Quảng Trị để tập trung huấn luyện. Lần đầu xa nhà, những lá thư của gia đình, người yêu khi ấy trở thành hành trang không thể thiếu cùng ông Vỹ hành quân vào chiến trường.
Khi bước vào chiến trận, ông Vỹ phải tham gia đánh vận động, để ba lô ở lại hậu cứ, sau đó ông không còn dịp quay lại. Những lá thư không còn bên ông nhưng mỗi câu, mỗi chữ ông vẫn còn nhớ như in. Có những câu hỏi mộc mạc đầy dung dị của người yêu: “Có lẽ anh cũng sắp hành quân vào chiến trường? Chiến trường là gì anh nhỉ? Đang có cuộc tổng động viên, em cũng muốn tham gia, góp sức mình cho Tổ quốc”... Ông Vỹ cùng đồng đội tham gia vào trận đánh giải phóng Buôn Mê Thuột, sau đó tiếp tục hành quân, bổ sung lực lượng để đánh vào Xuân Lộc, Long Khánh (Đồng Nai). Trận đánh vào Xuân Lộc giúp mở toang cửa ngõ phía đông của Sài Gòn.
Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 kết thúc, ông Vỹ chưa trở về miền Bắc mà thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và truy quét tàn quân ngụy ở vùng rừng núi của một số tỉnh giáp Sài Gòn để ngăn chúng quay lại đánh phá. Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, ông Vỹ nhận được hàng chục lá thư từ bạn bè, thanh niên của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nơi đơn vị của ông từng đóng quân huấn luyện và kết nghĩa. Những lá thư này lẽ ra ông được nhận sớm hơn nhưng do chiến tranh khốc liệt nên đến muộn. Những lá thư ấy là nguồn động viên ông thực hiện nhiệm vụ. Là người nhận được nhiều thư, ông còn bị đồng đội đùa phải... khao ăn mừng.
Chiến tranh thiếu thốn nhiều thứ nhưng tình cảm của gia đình, người thân, bạn bè và cả tình yêu lứa đôi chất chứa trong những cánh thư luôn trở thành liều thuốc tinh thần vô giá, tiếp thêm động lực cho những chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
HUYỀN TRANG