Động lực để xây dựng nông thôn mới

27/05/2015 07:49

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại để góp phần hoàn thành nhiều tiêu chí nông thôn mới.



Nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán ở Kim Anh hoạt động hiệu quả

Phát huy lợi thế


Trong một lần cùng đoàn thẩm định nông thôn mới (NTM) của tỉnh về kiểm tra tiến độ ở xã Kim Anh (Kim Thành), anh Nguyễn Tiến Độ, cán bộ của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ngạc nhiên trước sự sầm uất của địa phương. Anh bảo: "Nếu không được giới thiệu, tôi cứ đinh ninh đây vẫn là thị trấn Phú Thái. Nhà cao tầng san sát, đường làng, ngõ xóm khang trang, cửa hàng kinh doanh, buôn bán tấp nập". Ông Ngô Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Kim Anh cho biết: "Năm 2014, tổng giá trị kinh doanh dịch vụ, thương mại của xã đạt hơn 110 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2013. Ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, Kim Anh đã xác định dịch vụ, thương mại là một trong những thế mạnh của địa phương cần được khai thác hiệu quả để thực hiện các tiêu chí khó trong 19 tiêu chí NTM như thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tỷ lệ hộ nghèo"... Gần thị trấn Phú Thái, lại có tỉnh lộ 388 đi qua nên Kim Anh có nhiều thuận lợi phát triển dịch vụ, thương mại, nhất là kinh doanh hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, cung ứng vật tư nông nghiệp... Hiện nay, UBND xã Kim Anh đã quy hoạch khu vực phát triển thương mại, dịch vụ cùng với dân cư mới Quyết Thắng-Tân Thành trên diện tích 55 ha... Việc quy hoạch này sẽ giúp nhiều hộ dân trong xã có thêm thuận lợi để kinh doanh, tăng thu nhập, đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của xã theo hướng tích cực.

Phát triển dịch vụ, thương mại cũng được xã Hồng Hưng (Gia Lộc) xác định là động lực để xây dựng NTM. Tận dụng lợi thế gần quốc lộ 37, các làng nghề sản xuất giày, dép da của Hoàng Diệu và Công ty May xuất khẩu SSV nên thời gian gần đây, nhiều hộ đã mở rộng, phát triển nhiều loại hình dịch vụ như ăn uống, tạp hóa, sửa chữa đồ gia dụng, cung cấp nguyên phụ liệu da, giày... Đặc biệt, chợ Phe là một trong những nơi tập trung mua bán của người dân trong vùng nên các hoạt động kinh doanh ở đây khá sôi động. Theo ông Đặng Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng: "Mặc dù năm 2014 tỷ trọng dịch vụ, thương mại mới chiếm hơn 20% cơ cấu kinh tế của xã nhưng thời gian tới tỷ lệ này sẽ tăng nhanh, bởi hiện nay nhiều hộ đang tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển các dịch vụ hỗ trợ làng nghề da giày Hoàng Diệu cũng như phục vụ nhu cầu của công nhân Công ty May xuất khẩu SSV. Nhiệm kỳ tới, xã cũng xác định những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, tạo thêm việc làm cho người lao động".

Theo Ban Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, thời gian qua, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động dịch vụ, thương mại cũng đã được nhiều địa phương phát huy hiệu quả để xây dựng NTM. Nhiều chợ ở khu vực nông thôn đã được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới để đạt tiêu chí chợ NTM. Đến nay, toàn tỉnh đã có 60 trong tổng số hơn 100 chợ đạt chuẩn theo quy định về phát triển và quản lý chợ của UBND tỉnh ban hành năm 2010. Các điểm kinh doanh, buôn bán ở các vùng nông thôn của tỉnh ngày càng phát triển, mở rộng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn.

"Gỡ" nhiều tiêu chí khó


Theo ông Mai Nhật Tân, đại diện Ban Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia NTM tỉnh, các địa phương phát triển dịch vụ, thương mại không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân mà còn giúp những nơi đó thực hiện nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM. Dịch vụ, thương mại cũng đã trở thành chỗ dựa của nhiều địa phương khi không có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoặc làng nghề.



Hoạt động kinh doanh, buôn bán giúp người dân bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp
 của xã Liên Hồng (Gia Lộc) tăng thu nhập


Để đạt tiêu chí thu nhập, xã Liên Hồng (Gia Lộc) chỉ có thể đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại. Bởi hiện nay toàn xã có tới gần 400 hộ dân bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp để phục vụ cho dự án xây dựng khu đô thị phía nam TP Hải Dương. Phần lớn những hộ dân này đã chuyển sang kinh doanh, buôn bán...  Ông Vũ Vinh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liên Hồng cho rằng: Nếu không chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, thương mại thì xã khó có thể hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Trước đây, Liên Hồng cũng là một trong những địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay khó có thể phát huy lợi thế này. Do đó, phát triển dịch vụ, thương mại sẽ là cứu cánh cho xã hoàn thành nhiều tiêu chí xây dựng NTM, nhất là tiêu chí thu nhập. Khi thu nhập được nâng cao thì việc huy động kinh phí để xây dựng các công trình hạ tầng như đường giao thông thôn, xóm, nhà văn hóa khu dân cư sẽ không quá khó. Các tiêu chí như lao động có việc làm thường xuyên và tỷ lệ hộ nghèo cũng sẽ được thực hiện tốt hơn.

Theo nhận định của ông Đặng Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng thì dịch vụ, thương mại chính là động lực lớn giúp Hồng Hưng đạt được nhiều tiêu chí để về đích NTM ngay trong năm 2015. Trong đó, dịch vụ, thương mại sẽ giúp xã đạt tỷ lệ 90% số lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/năm. Việc huy động vốn để hoàn thành các tiêu chí còn lại cũng dễ dàng hơn.

Phát triển dịch vụ, thương mại đang là động lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội của nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nơi vẫn chưa phát huy được thế mạnh hoặc chưa coi trọng phát triển  lĩnh vực này. Sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế trong khi tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại đạt thấp. Một số nơi hoạt động kinh doanh, buôn bán thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, bày bán hàng giả, hàng nhái. Các hoạt động dịch vụ còn chưa đa dạng, chủ yếu mới chỉ tập trung vào kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc  các làng nghề chưa nhiều.

HIỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực để xây dựng nông thôn mới